Dẫn giải ‘trùm’ xăng lậu từ Đồng Nai ra Hà Nội để xét xử 2 cựu tư lệnh cảnh sát biển

Sự kiện: Thời sự

"Ông trùm” đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng được dẫn giải từ Đồng Nai ra Hà Nội, để phục vụ việc xét xử hai cựu tư lệnh cảnh sát biển cùng hàng loạt cựu quân nhân về tội nhận hối lộ.

Sáng 12-7, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép...

Phiên tòa sáng 12-7. Ảnh: Thông tấn Quân sự

Phiên tòa sáng 12-7. Ảnh: Thông tấn Quân sự

“Ông trùm” Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cùng đồng phạm là Nguyễn Hữu Tứ được dẫn giải từ Đồng Nai ra Hà Nội, theo quyết định triệu tập của HĐXX với tư cách người làm chứng. Cả Hữu và Tứ hiện đều đang bị tạm giam và mới đây bị VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.

Tuy nhiên, theo thông báo của thư ký phiên tòa, do yếu tố kẹt xe, hai người này tạm thời vắng mặt buổi sáng, sẽ có mặt tại tòa vào buổi chiều để phục vụ xét xử.

Ngoài ra, tòa cũng triệu tập một số người khác với tư cách người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bao gồm con trai Hữu là Phan Lê Hoàng Anh, nhưng người này vắng mặt.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Thông tấn Quân sự

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Thông tấn Quân sự

Trình bày quan điểm tại phần thủ tục, luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), cho rằng có rất nhiều người làm chứng, người liên quan có lời khai mâu thuẫn với thân chủ, nếu những người này vắng mặt thì đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập.

Một LS khác cũng cho rằng có sáu người làm chứng và bốn LS vắng mặt, trong đó có rất nhiều người liên quan trực tiếp tới việc buộc tội đối với bị cáo Nguyễn Thế Anh, trong khi bị cáo đang kêu oan, cần đối chất trực tiếp… nên đề nghị hoãn xử.

Trước đề nghị trên, HĐXX cho biết những người vắng mặt đã có lời khai, quá trình xét xử nếu nhận thấy có lời khai nào thiếu khách quan thì tòa sẽ thực hiện dẫn giải, do vậy không chấp nhận việc hoãn phiên tòa.

Vụ án này, trong số 14 bị cáo bị truy tố có 12 bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ, trong đó có ông Lê Văn Minh - cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; ông Lê Xuân Thanh - cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, ông Phạm Văn Trên - cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh… Riêng ông Nguyễn Thế Anh - cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang còn bị bị truy tố thêm tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Ngoài ra, ông Phùng Danh Thoại - cựu trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là người duy nhất bị truy tố tội buôn lậu.

Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Phan Thanh Hữu cùng đồng phạm buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.

VKS quân sự cáo buộc, Phùng Danh Thoại góp số vốn 5 tỉ đồng để cùng nhóm của Hữu buôn lậu xăng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Tính đến thời điểm bị phát hiện, ông Thoại cùng với nhóm của Hữu buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, với tổng trị giá gần 2.800 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít. Hữu được hưởng lợi 105 tỉ đồng, ông Thoại hơn 22 tỉ đồng…

Ngoài ra, để thực hiện việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra bắt giữ, Hữu và đồng bọn thống nhất chi hối lộ cho nhiều cá nhân thuộc lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông…

Trong đó, hai cựu tư lệnh vùng cảnh sát biển Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh lần lượt nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng; Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng; Phạm Văn Trên - cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh nhận 1 tỉ đồng…

Vì sao “ông trùm” không bị xử tội đưa hối lộ?

Trong vụ án mà Tòa án quân sự quân khu 7 đang xét xử, “ông trùm” Phan Thanh Hữu, con trai Phan Lê Hoàng Anh và Nguyễn Hữu Tứ được xác định là những người đưa hối lộ cho nhóm bị cáo cựu quân nhân.

Tuy nhiên, sau khi bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, Hữu cùng Hoàng Anh và Tứ đã chủ động khai báo về hành vi của mình. Nhóm Hữu cũng tích cực giúp cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng làm rõ hành vi của 14 bị cáo đang bị đưa ra xét xử.

Dù hành vi của nhóm Hữu đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ, nhưng để khuyến khích người phạm tội chủ động khai báo và lập công chuộc tội, đồng thời áp dụng quy định tại khoản 7 điều 364 BLHS và Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cơ quan tố tụng quyết định không xem xét xử lý hình sự với nhóm này.

Riêng về hành vi đồng phạm với Phùng Danh Thoại - cựu trưởng phòng Xăng dầu trong việc buôn lậu xăng, Hữu và các bị can khác đã bị VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố.

Không chỉ ”bảo kê” xăng lậu, thượng tá biên phòng còn chuyển giúp tiền hối lộ cho cả sếp

Không chỉ nhận hối lộ từ “ông trùm” xăng dầu, thượng tá biên phòng còn kết nối và chuyển giúp tiền hối lộ cho cả cấp trên của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN