Dân đổ xô trộm sưa di sản

Sau đúng một năm 3 cây sưa cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ ở Hung Trí thuộc vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) thì ngày 18/4 người dân một số xã vùng đệm di sản xôn xao trước tin thêm 2 cây gỗ sưa tiền tỷ nữa được phát hiện và đốn hạ không thước tiếc. Người dân lại đổ vào rừng mót sưa, nhiều tay giang hồ liên kết thành băng nhóm để trấn cướp sưa.

Hạ sưa là thợ săn trộm

Người dân các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch) ở cửa ngõ di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đang bàn tán xôn xao trước việc hai cha con ông Ng ở Trằm Mé, xã Sơn Trạch cùng một người vùng Hạ Vàng xã Sơn Trạch đi bẫy trộm thú giữa rừng đã phát hiện hai cây sưa cổ thụ và đốn hạ rồi bán kiếm lợi hàng chục tỷ đồng.

Trước thực hư câu chuyện, chúng tôi tìm về thôn Trằm Mé. Làng chia thành hai khóm, khóm Trằm nằm bên sông Son, khóm Mé phải qua lượt đò nữa trên sông Chày. Chúng tôi phải qua hai chuyến đò trên sông Son và sông Chày mới tiếp cận được vùng Mé, nơi cha con ông Ng được người dân cho là đã trúng hai cây sưa. Về lai lịch người đàn ông này, dân làng cho rằng, đây là thợ săn trộm lão luyện trong rừng Phong Nha-Kẻ Bàng.

Ng là người đánh bẫy từ thú móng lớn đến thú bộ guốc, từ khỉ đến chồn, từ sóc đến chim. Bẫy được thú rừng, Ng đánh tiếng cho người thân quen dưới Hạ Vàng lên mua và chở về qua đường sông bằng cách ngụy trang như đò dân đi bứt lá về cho trâu bò hoặc bứt lá làm mái nhà, có khi vớt rong rêu đầy thuyền để ngụy trang.

Dân đổ xô trộm sưa di sản - 1

Người dân chở nhau đi trên đường Hồ Chí Minh để xâm nhập vào rừng Kẻ Bàng nhằm tìm kiếm sưa.

Trằm Mé là nơi có hơn 100 người từng làm lâm tặc hoặc con em lâm tặc rửa tay gác rìu rựa từ bỏ cuộc đời trầm luân phá rừng để trở về đời thường bằng cách tham gia đội chụp ảnh tại động Phong Nha hoặc động Thiên Đường. Mỗi lần làng, xã phát động các hộ gia đình ký cam kết, Trằm Mé đều tham gia ký toàn bộ dân làng.

Thế nhưng với gia đình Ng, một người dân đề nghị dấu tên kể: “Họ ở khác xa với xóm làng, ký cam kết cho vui chứ cha con Ng vẫn vào rừng bẫy trộm của rừng di sản, lần đi ngắn thì một tuần, lâu thì cả hai tháng. Cha đi thì hai đứa con lớn cũng đi, khi hàng nhiều thì huy động thằng con út mới học lớp năm đã bỏ học vô rừng phụ việc. Lần này ông Ng cùng thằng út vô rừng với người dưới Hạ Vàng được hai cây sưa đó”.

Chúng tôi được ông Trần Văn Tền, Bí thư chi bộ Trằm Mé dẫn vào nhà của Ng, con trai cả Ng tiếp đón, nói bố đi vắng theo đàn dê, phải chiều tối mới về. Nhưng thực chất, Ng vừa mới qua đò từ xuôi lên và đang say rượu, nằm trong nhà ngủ. Trong khi đó, đứa con út của Ng thấy khách lạ đã vào vườn phía sau chạy trốn.

Ông Tền cho biết, cũng nghe người dân nói nhà Ng trúng sưa rất lớn. Trong khi đó, ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch xã Sơn Trạch thì nói cũng có nghe dư luận như thế nhưng cũng chưa biết rõ hơn được.

Dân đổ xô trộm sưa di sản - 2

Một ít gỗ sưa tại Trằm Mé.

Giới thạo sưa trong vùng cho biết, cha con ông Ng cũng người dưới Hạ Vàng được một cây có đường kính hơn 30cm, cao khoảng 20m ở vùng Đại Ả, cách hang Tám Cô chừng gần 2 giờ đi bộ, số gỗ của cây này đốn hạ khoảng 3 tạ. Đây là cây sưa đã chết, rỗng ruột, Ng hô giá cao nên chưa bán được nhiều. Một cây khác, cũng từ ba nhân vật săn trộm chuyên nghiệp này phát hiện ở vùng giữa động Thiên Đường với đường 20, đi hướng tây khoảng ba tiếng đồng hồ, được người dân địa phương gọi tuyến Đại Cáo, đây là cây sưa cổ thụ, còn nguyên cành lá tươi rói nhưng hiện đã được đốn hạ, đào bật cả gốc.

Sưa về xuôi như thế nào?

Một người quen của chúng tôi ở Trằm Mé cho biết, ông Ng sau khi trúng sưa đã thông qua cò mồi vùng Phúc Trạch nhờ dẫn mối bán cho các đầu nậu gỗ ở Đồng Hới. Ng phải đồng ý để một nậu gỗ sưa tại Đồng Hới giữ lại làm tin trong một khách sạn gần một tuần sau khi cho chủ nậu này xem ảnh hai cây sưa chụp lại từ điện thoại.

Sau khi thỏa thuận giá cả, các giao dịch thành công, Ng mới được cho về và thỏa thuận không được tiết lộ nhằm tránh bị “bể” như ba cây sưa bị hạ ở Hung Trí vào tháng 4/2012. Tuy nhiên mọi việc đã không như thỏa thuận vì đứa con út của Ng sau khi được chia tiền tỷ, đã vung tay đãi bạn bè và hồ hởi kể nên việc trúng sưa và cả làng đều biết.

Việc Ng trúng sưa không chỉ người làng hoặc người các xã kháo nhau, mà giới gùi thuê ở Trằm Mé cũng xác nhận họ đã gùi thuê cho thương lái ở Đồng Hới lên mua.

Một phu gùi thuê là người quen kể cho chúng tôi rằng: “Chủ gỗ dưới Đồng Hới lên với một đoàn bảo kê đông đảo, họ bí mật vào rừng theo dẫn đường của con ông Ng, vào tận cội ngã giá xong là cho cưa xẻ, có bảo vệ đông lắm, chừng hai chục người, cây tươi chia ra thành 35 gùi gỗ, có gùi thành phác rất đẹp, tui gùi được hai gùi, họ cho cũng khá tiền. Gỗ gùi về vùng Mé, tập kết một lúc ở nhà Ng sau đó cho chở về xuôi bằng đò”. Cách thức chở gỗ sưa khai thác lậu được kể là vượt sông Chày, qua sông Son, rồi về sông Gianh, sau đó được đón lõng để tẩu tán.

Lần thứ ba trúng sưa?

Chúng tôi về Trằm Mé, qua đò, người dân rỉ tai kể đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2013 người ở Sơn Trạch trúng sưa, mà trước đó đã có hai lần. Lần đầu tiên là cuối tháng 2/2013 tại đoạn sông Son qua thôn Na và thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, một số người đánh bắt cá bất ngờ vớt được khoảng 12 phách gỗ sưa với giá trị ước đến hàng tỷ đồng. Số gỗ sưa này theo lời mô tả của nhiều người dân ở thôn Na và thôn Phong Nha có chiều dài trung bình khoảng 2m, rộng khoảng 0,2m, dày gần 0,15m. Lần thứ hai là người Trằm Mé, với bốn cá nhân vào rừng đặt bẫy đã phát hiện một cây sưa lớn đã chết liền cho đốn hạ và bí mật bán trót lọt.

Thông tin cha con ông Ng bán hai cây sưa giá bao nhiêu hiện không tiết lộ, bà Hoàng Th. Ng, vợ ông Ng đi nói với xóm làng là trúng không mấy, đủ để tô lại căn nhà. Nhưng giới thạo sưa cho rằng, hai cây sưa mà cha con ông Ng trúng, nó có giá không dưới 15-20 tỷ đồng.

Dân đổ xô trộm sưa di sản - 3

Đường làng Trằm Mé vắng ngắt vì theo người dân nói trai tráng đa số vô rừng mót sưa.

Trước thông tin về việc người dân lại vào rừng Kẻ Bàng bắt thú, trộm sưa, ông Hoàng Hải Vân, Phó giám đốc VQG Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết đã triển khai các lực lượng chốt chặn mọi ngã để không cho người dân vào gây mất trật tự an ninh trong rừng.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Hạt phó Hạt kiểm lâm Phong Nha-Kẻ Bàng nói: “Đã nắm được tình hình người mà dư luận cho là chặt sưa và chuyển tên tuổi cho cơ quan công an, hiện đang cho một tổ 12 người vào các vùng rừng xác minh, tìm kiếm hiện trường nơi gỗ sưa bị chặt xem có hay không để tiến hành các biện pháp tiếp theo”. Trong khi đó tại tuyến du lịch động Thiên Đường, nhân viên du lịch ở đây cho biết, từ hôm 18/4 đến nay có hơn 100 đối tượng mang gùi xẻ đường vào đây và ra hai bên cánh gà của tuyến du lịch này để vào rừng tìm sưa, cá biệt có một số người chạy xe máy vào, bàn bạc và lôi kéo nhau lập băng nhóm để đón lỏng trấn cướp sưa nếu còn sưa gùi ra khỏi rừng.

Một thông tin khác chúng tôi mới nhận được, là trong chuyến truy quét lâm tặc ra khỏi rừng giữa tháng 4 vừa qua, kiểm lâm đã phát hiện có nhiều cây gỗ quý cao hàng chục mét, đường kính từ 0,5m đến gần 2m bị lâm tặc chặt phá. Tuyến tuần rừng của ông Nguyễn Hữu Trí đi vào vùng rừng tự nhiên của Phong Nha-Kẻ Bàng đã phát hiện 9 cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ. Đây là tổn thất rất lớn cho đa dạng sinh học cũng như việc dư luận đặt câu hỏi, vì sao rừng di sản lại để lâm tặc đốn hạ gỗ như chốn không người?!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN