Dân Đà Nẵng: ‘Chúng tôi rất chủ động chống lũ’
Người dân vùng bị ngập lụt ở Đà Nẵng rất bức xúc trước thông tin cho rằng “100% hộ dân không ai thực hiện kê đồ lên cao, triển khai chống ngập cả”.
Tối 18-10, dư luận tại TP Đà Nẵng “dậy sóng” trước nhận định của một Phó Cục trưởng Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) về tình hình ngập lụt và công tác phòng chống của người dân TP.
Người dân Đà Nẵng chủ động dùng tấm chắn ngăn nước tràn vào nhà và kê đồ đạc lên cao. Ảnh: TẤN VIỆT
Cụ thể, theo tường thuật của một tờ báo, ông Nguyễn Văn Tiến, ngoài chức vụ trên còn là Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho rằng:
“Chúng tôi kiểm tra thì thấy ở những gia đình kinh doanh bị ngập nước, thiệt hại hoàn toàn, trong khi nhiều nhà dân hoàn toàn chủ động chống ngập được nhưng 100% hộ dân không ai thực hiện kê đồ lên cao, triển khai chống ngập cả”.
Ông Tiến còn nhận định, việc chống ngập lụt ở các gia đình tại Đà Nẵng vừa qua là hết sức đơn giản.
“Ví dụ chống ngập lụt ở các gia đình tại TP Đà Nẵng vừa qua là "hết sức đơn giản"; Khi thấy nước tràn ngoài cửa vào, chỉ cần dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò sẽ ngăn cho nước không vào nhà. Còn nước tràn lên từ hố nước thải, chỉ cần cái bô hoặc xô chít mỡ bò xung quanh rồi đặt vào khu vực đó thì nước sẽ không tràn qua được”, ông Tiến nói.
Trước nhận định này, ông Nguyễn Thành Phúc (48 tuổi, một người dân ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) rất bức xúc.
“Nghe tin cảnh báo mưa lớn, rút kinh nghiệm từ đợt lũ lịch sử năm ngoái nên gia đình tôi khẩn trương đi mua sắt về hàn thành khung để kê cao đồ đạc trong nhà lên, nhờ đó mà giữ được tài sản”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, người dân Đà Nẵng nói chung, người dân quận Liên Chiểu nói riêng đã rất ý thức cùng chính quyền TP phòng chống ngập lụt.
“Việc nhận định, hướng dẫn phòng chống ngập lụt như vậy không chỉ phi thực tế mà còn làm người dân chúng tôi thêm tổn thương”, ông Phúc bức xúc.
Ông Nguyễn Thanh Lộc (một người dân ngập lụt vừa qua ở Đà Nẵng) nói: "Nếu đúng ông có chức, có quyền ở Ban lo phòng chống thiên tai nói như vậy, tôi tin chắc rằng nếu ông xuống nhà dân đường Hà Huy Tập (đoạn đường thường xuyên bị ngập) ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng, nơi tôi ở, sẽ không đúng thực tế!".
Nhiều người dân Đà Nẵng khác cũng rất giận dữ trước phát ngôn trên của ông Tiến và đề nghị ông phải có lời xin lỗi.
Vì mưa ngập vừa qua, người dân TP Đà Nẵng phải vất vả chạy lụt và đều có ý thức chủ động kê đồ đạc, tài sản lên cao chứ không phải như nhận định "không ai thực hiện kê đồ lên cao, triển khai chống ngập cả”.
Tài sản bị hư hỏng, của cải bị nước nhấn chìm, họ cần những lời động viên, chia sẻ từ người có chức trách như ông Tiến chứ không phải là nhận xét làm người dân Đà Nẵng thêm tổn thương.
Lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân Đà Nẵng di dời tài sản trước ngập lụt để tránh thiệt hại. Ảnh: TẤN VIỆT
Tối cùng ngày, PV PLO đã có trao đổi nhanh với lãnh đạo TP Đà Nẵng về thông tin trên. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, lãnh đạo TP đang trao đổi lại với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai về thông tin này.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng khẳng định, TP sẽ có thông tin bằng văn bản liên quan đến phát ngôn nói trên.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng, đợt mưa lớn gây ngập lụt vừa qua, toàn TP bị cuốn trôi 5,7 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, ngập 28,1 ha rau màu. Không có thiệt hại về người.
Một số hình ảnh người dân Đà Nẵng chủ động kê đồ đạc lên cao phòng ngập:
Tủ lạnh cùng các vật dụng được kê cao, đảm bảo không hư hại. Ảnh: TẤN VIỆT
Gia đình ông Nguyễn Thành Phúc kê cả tủ đông lạnh lên cao ngang đầu. Ảnh: MINH TRƯỜNG
Máy may cũng được kê rất cao để phòng hư hại. Ảnh: MINH TRƯỜNG
Người dân Đà Nẵng rất chủ động, kinh nghiệm trong việc kê cao đồ đạc trước mưa lũ. Ảnh: MINH TRƯỜNG
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều đồ đạc, tài sản bị nước lũ nhấn chìm từ đêm 13 đến nay vẫn chất đống, hư hỏng chưa kịp dọn thì người dân Đà Nẵng lại tất tả chạy lũ lần thứ 2.