Dân cung cấp video vi phạm giao thông có được thưởng tiền?

Những thông tin, hình ảnh, video của người dân cung cấp cho cơ quan công an sẽ được coi là một nguồn tin.

Dân cung cấp video vi phạm giao thông có được thưởng tiền? - 1

Xe ô tô khách chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai (Ảnh cắt từ clip).

Gửi thông tin vi phạm về đâu?

Nghị định 46/2016 sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/8/2016, trong đó quy định tăng mức phạt tiền với 194 hành vi vi phạm giao thông (gồm 153 hành vi trên đường bộ và 41 hành vi trên đường sắt). Nhiều người dân thắc mắc, khi quay được video, hình ảnh phương tiện vi phạm giao thông thì sẽ gửi về đâu và có được thưởng tiền không?.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) cho biết, những thông tin hình ảnh, video của người dân hoặc cơ quan báo, đài gửi đến phản ánh khi cung cấp cho cơ quan công an sẽ được coi là một nguồn tin. Từ những nguồn tin này, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ. Khi có đầy đủ chứng cứ theo quy định của pháp luật, cơ quan công an sẽ lập biên bản và ra quyết định xử lý.

“Hiện chưa có quy định thưởng tiền cho những người gửi hình ảnh, video vi phạm giao thông. Nhưng để lên án những hành vi vi phạm giao thông, cơ quan công an khuyến khích người dân ghi lại các hình ảnh vi phạm giao thông và gửi cho cơ quan công an để có căn cứ xử lý các phương tiện vi phạm, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông”, ông Hùng chia sẻ.

Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông cũng cho hay, người dân có thể gửi các hình ảnh, clip ghi lại hành vi vi phạm giao thông cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gửi về địa chỉ: Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, 86 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Tăng nặng mức tiền hành vi vi phạm trên cao tốc

Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho hay, Nghị định 46 có điểm mới là tăng nặng việc xử phạt đối với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Trong đó, tăng mức xử phạt đối với xe mô tô đi vào đường cao tốc từ 100- 300.000 (mức cũ) – tăng lên 500-1triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng; đi bộ vào đường cao tốc từ 80-100.000 đồng (mức cũ)- tăng 100 đến 200.000 đồng;dừng đỗ xe ô tô trên đường cao tốc 800-1,2 triệu đồng (mức cũ)- tăng lên 5-6 triệu đồng;

Xe ô tô đón trả khách trên đường cao tốc từ 1-3 triệu đồng (mức cũ) - tăng 5-6 triệu đồng; lái xe vi phạm về nồng độ cồn phạt từ 10-15 triệu đồng (mức cũ)- tăng 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng.

Về một số thông tin trước đó đăng tải có nêu, Nghị định 46 có bổ sung thêm nội dung tăng cường sự giám sát của nhân dân với quy định người dân có thể ghi hình các trường hợp vi phạm và gửi đến cơ quan công an.Sau đó, nhà chức trách sẽ lấy đó làm căn cứ xác minh và xử lý người vi phạm.

Ông Hùng cho biết thêm, trong Nghị định 46 phần lớn tập trung vào thay đổi chế tài xử phạt và thẩm quyền xử phạt, không có quy định cụ thể quyền của người dân.

“Theo điều 14, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Hiện nay, một số người có ý thức chưa tốt khi tham gia giao thông, do vậy, việc lên án, tố giác vi phạm là rất cần thiết”, ông Hùng thông tin.

Trước đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã từng xử lý những trường hợp vi phạm phát luật về trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh do camera hành trình của người dân ghi lại như;xử phạt 7,5 triệu đồng xe ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc đường trên cao đoạn gần ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội); xử phạt 8,5 triệu đồng xe khách chạy ngược chiều cao tốc Hà Nội- Lào Cai…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN