Dân Crimea ăn mừng "chiến thắng" sau bỏ phiếu
“Tôi vô cùng tự hào. Cuối cùng chúng tôi cũng đã trở về với đất mẹ Nga.”
Đối với cựu cảnh sát Anatoly Krepichev thuộc đơn vị tinh nhuệ Berkut của Ukraine, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea lại là một vấn đề cá nhân.
Sau khi sĩ quan chỉ huy đơn vị Berkut của viên cảnh sát 22 tuổi này bị sát hại trên quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev hồi tháng trước, và chính phủ lâm thời Ukraine lên nắm quyền vài ngày sau đó, Krepichev đã không còn đường quay lại.
Cựu cảnh sát trẻ tuổi này tuyên bố: “Tôi sẽ không đổ một giọt máu nào cho chính phủ tự phong ở Kiev nữa.”
Một người dân Crimea tham gia bỏ phiếu
Quan chức Crimea ăn mừng trước tòa nhà quốc hội dù chưa có kết quả chính thức
Tối Chủ nhật, Krepichev đã hòa mình vào hàng ngàn người ở thủ phủ Simferopol của Crimea, phất cao lá cờ của họ để ăn mừng “chiến thắng” của cuộc trưng cầu dân ý mở đường cho việc sáp nhập Crimea vào với Nga, mặc dù kết quả chính thức vẫn chưa được công bố.
Các quan chức địa phương cho biết kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy 95% người dân Crimea đã nhất trí với phương án sáp nhập Crimea vào với Nga, một phương án được Nga mô tả là “thời khắc lịch sử và đã được chờ đợi từ lâu”.
Những phản đối và đe dọa cấm vận từ phía Mỹ và phương Tây dường như ít có tác động đến Nga và Crimea, khi người dân ở đây ào ạt đổ ra đường ăn mừng chiến thắng trong khi kết quả chính thức chưa được công bố.
Hàng ngàn người dân Crimea đổ ra đường mừng "chiến thắng"
Kết quả sơ bộ cho thấy 95% dân Crimea muốn về với Nga
Tại quảng trường chính ở Simferopol, nơi có tượng đài Lenin, người ta đã tổ chức một buổi hòa nhạc với nhiều bản nhạc yêu nước, trong khi người dân mang theo cờ Nga thi nhau nhảy múa.
Thỉnh thoảng, họ cùng nhau đồng thanh hô “Nước Nga!”, hòa nhịp với tiếng còi xe và nhịp điệu vẫy cờ của đám đông xung quanh.
Cô Irina Pustovgarova nói với giọng đầy tự hào: “Đây là sự hân hoan từ trong tâm hồn, chúng tôi ăn mừng cho thành phố và cho toàn thể Crimea.”
Trong bầu không khí sôi sục giận dữ với chính quyền lâm thời ở Kiev, những quan chức mà cả phía Nga và chính quyền địa phương ở Crimea mô tả là “phát xít”, tâm lý ly khai của người dân Crimea càng thêm mạnh mẽ dưới tác động của truyền thông Nga trong suốt nhiều ngày qua.
Cờ Nga tràn ngập thủ phủ Crimea
Bị mô tả là những tên “kẻ cướp” và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Nga, chính quyền lâm thời ở Kiev càng bị người dân Crimea căm ghét sau khi họ đưa ra đề xuất cấm sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức ở Ukraine.
Truyền thông Nga cũng liên tục lên tiếng cảnh báo về những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới đã lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych và có thể tiến vào Crimea để đàn áp người thiểu số gốc Nga ở đây.
Dưới danh nghĩa bảo vệ đồng bào Nga và những người nói tiếng Nga ở Crimea, Nga đã điều đông đảo lực lượng quân sự tới vùng đất này, phong tỏa các tuyến đường nối liền với Ukraine và bao vây các căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea.
Với sự hiện diện đông đảo của lực lượng Nga trên bán đảo, bà Olga Born, một công nhân nghỉ hưu cho biết: “Nước Nga là người bảo vệ và là tương lai của chúng tôi. Hãy nhìn vào những gì đang diễn ra ở Ukraine hiện nay, mọi người đều mất niềm tin.”
Nhiều người cùng đồng thanh hô "Nước Nga!"
Cựu sĩ quan cảnh sát Krepichev: "Tôi vô cùng tự hào khi trở về với Tổ quốc Nga"
Tuy nhiên các quốc gia phương Tây đều không thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý này, và Nhà Trắng đã ra thông báo nêu rõ thế giới sẽ không chịu “im lặng đứng nhìn” trước “mưu đồ chiếm đất rõ ràng” của Nga.
Tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh: “Cuộc trưng cầu dân ý này trái với hiến pháp Ukraine, và cộng đồng quốc tế sẽ không thừa nhận kết quả của nó.”
Thế nhưng với những người dân địa phương như cựu sĩ quan cảnh sát Krepichev, cuộc trưng cầu dân ý này là một con đường để Crimea “trở về với tổ quốc”. Krepichev nói lớn: “Tôi vô cùng tự hào. Cuối cùng chúng tôi cũng đã trở về với đất mẹ Nga.”
Trước đây, Crimea là một phần lãnh thổ của Liên Xô. Năm 1954, nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev trao tặng vùng đất này cho Ukraine nhân dịp kỷ niệm 300 năm Ukraine liên minh với Nga.