Dân chạy khỏi nhà máy xử lý chất thải của Formosa

Nhà máy xử lý rác thải của Cty Phú Hà tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là nơi duy nhất có thể xử lý chất thải độc hại của Formosa. Nhà máy này đang khiến người dân trong vùng sợ hãi vì mùi hôi thối, ruồi nhặng, khói đốt rác... Một số gia đình đã bỏ nhà ra đi.

Dân chạy khỏi nhà máy xử lý chất thải của Formosa - 1

Nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt đã dời đi vì không chịu nổi ô nhiễm. Ảnh: Sỹ Lực.

Nhiều bất thường

Nhà máy của Cty Phú Hà nằm ở Kỳ Tân - xã vùng núi của huyện Kỳ Anh. Lưng nhà máy tựa vào núi, mặt tiến sát QL 12C - tuyến đường ngoại giao, nối Việt Nam và Lào. Đây là nhà máy xử lý rác thải lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động từ tháng 8/2015. 

Ngày khánh thành, ông Võ Kim Cự - nay là Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh có mặt tham dự. Đây là nơi xử lý rác thải sinh hoạt từ Formosa và đang lưu giữ các bùn thải, các chất thải công nghiệp khác của Formosa được phát hiện trên địa bàn Kỳ Anh gần đây.

Liên hệ với ông Hoàng Chí Thức, Phó TGĐ Cty Phú Hà để vào nhà máy nhưng ông này từ chối. Để tiếp cận, chúng tôi men theo con đường ra phía sau. Nhìn vào phía trong, các đống chất thải cao như núi. Tiếp cận hàng rào nhà máy, liền có tốp bảo vệ ra xua đuổi; nhưng chúng tôi cũng kịp ghi lại hình ảnh củi, rác đựng trong túi lớn có quai (dân gom rác trên địa bàn gọi là túi cẩu) có ghi tiếng Trung, giống các túi vẫn dùng gom rác trong Formosa.

Đáng nói, “núi” rác chỉ được ngăn với bên ngoài bằng cọc tre, chăng lưới đen. Tại đây có con kênh thủy lợi rộng khoảng 2 m, chảy lộ thiên cắt chéo vào trong nhà máy của Phú Hà rồi đổ ra cánh đồng phục vụ canh tác cho xã Kỳ Tân. Nhưng không thấy hạng mục nào ngăn cách các khu xử lý rác thải của Cty Phú Hà với con kênh này. Trời mưa, chắc chắn không thể ngăn được nước rỉ ra từ núi rác trên.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt từng ở cách hàng rào nhà máy Phú Hà vài chục mét cùng gia đình. Sau khi có bãi rác, không chịu nổi mùi hôi thối, ruồi nhặng và khói đốt rác nên bà Nguyệt cho con, cháu thuê nhà ở xã khác; riêng bà dựng một quán nước gần nhà, xa lò đốt rác để sinh sống và canh nhà cũ. “Tui già rồi, có bệnh không can chi. Mấy đứa cháu nhỏ mà bệnh thì tội, tui bắt phải đi. Nhà để không dưới nớ, ruồi nhặng kín đặc” – bà Nguyệt nói.

Kế đó là nhà ông Nguyễn Tiến Phùng, bán cơm và cà phê. Mấy ngày trước, khách đang ngồi ăn cơm, tự dưng bật dậy, tháo giày quẳng ra xa. Ông Phùng hỏi, khách bảo vứt vì giày hôi. Vợ chồng ông Phùng vò đầu, bứt tai nói: “Không phải tại chú, mùi hôi từ bãi rác bên tê”. Giờ nhà ông Phùng nghỉ bán cơm. Con gái ông Phùng làm bãi rác, không chịu nổi hôi thối, ngứa ngáy cũng vừa nghỉ.

Biết cách đây vài hôm có nhà báo bị bảo vệ Cty Phú Hà đuổi đánh, cha con ông Phùng dẫn chúng tôi đi tắt để tiếp cận hàng rào nhà máy. Anh Hương, con ông Phùng phạt cây, bới đất chỉ ra một đường ống nối thẳng từ nhà máy Phú Hà ra bãi đất rìa làng. 

Trên đường về, cha con ông Phùng dặn đi dặn lại: “Các chú mần răng nói với lãnh đạo chuyển nhà tui đi sớm. Rác bình thường đã không chịu nổi, giờ lại đưa rác từ Formosa về đây, sống mần răng được”. Ông Phùng cho hay, mấy ngày nay, thông tin rác thải Formosa rộ lên, Cty Phú Hà chuyển đốt rác từ ban ngày vào ban đêm (khoảng từ 20 giờ đến sáng). Nhiều hôm không ngủ được, nhà ông Phùng kéo nhau mắc võng bên kia đường, tránh hướng gió để ngủ.    

Dân chạy khỏi nhà máy xử lý chất thải của Formosa - 2

Rác thải chất như núi trong nhà máy của Cty Phú Hà được ngăn với bên ngoài một cách sơ sài. Ảnh: Sỹ Lực.

“Bà con tiếp tục chờ”

Qua nhiều đầu mối liên lạc, chúng tôi đã được lãnh đạo huyện Kỳ Anh bố trí làm việc với ông Nguyễn Giang Đông, Phó Phòng Tài nguyên và môi trường. Ông Đông cho biết, huyện đã nhận được đơn của 31 hộ dân xung quanh nhà máy Phú Hà từ lâu và đang trong quá trình xử lý.

“Huyện đã có phương án, kể cả có phương án di dân. Nhưng chưa triển khai được vì dự án còn nhiều hạng mục chưa xong. Khi dự án xong hết mới đánh giá hết tác động đến dân như thế nào để quyết định phương án. Tất nhiên, ở gần thì không tránh khỏi ảnh hưởng”, ông Đông nói.

Trả lời về các vấn đề nhà máy Phú Hà chưa có hạng mục ngăn nước rỉ ra từ bãi rác, đặc biệt là các ngày mưa gây tác hại lâu dài, ông Đông nói: “Nếu nước rỉ ra từ rác thì ghê lắm. Nhưng không có đâu vì khi xử lý rác người ta còn phải bơm thêm nước. Tuy nhiên, những lo ngại như vậy, khi dự án xong sẽ có các hạng mục hoàn chỉnh”.

Là cơ quan giám sát ở cơ sở nhưng ông Đông cho biết không được cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và “đang xin ở trên”. “Trong cam kết với nhà đầu tư, tỉnh phải có hỗ trợ, nhưng giờ chưa có khoản nào. Vì thế, yêu cầu họ làm nhanh cũng khó” - ông Đông nói.

Xuất hiện thêm nhiều bãi rác liên quan Formosa

Theo khảo sát của phóng viên, tại bãi rác cũ, đã đóng cửa, lấp đất lên trên ở phường Sông Trí (trung tâm thị xã Kỳ Anh) có nhiều rác thải sinh hoạt (như bao kẹo, chai nước ngọt, chai rượu..) có chữ bằng tiếng Trung nổi lên trên đất. Tại khu xử lý chất thải sinh hoạt của Cty Môi trường Kỳ Anh (đang bị đình chỉ, cạnh nhà máy xử lý rác thải của Cty Phú Hà) vẫn chứa nhiều rác thải nguy hại như thùng sơn, lốp ô tô cũ và nhiều bì tải rách ghi rõ xuất xứ từ Formosa.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết đang khảo sát và lấy mẫu tại các bãi rác có liên quan Formosa do các xã, phường báo cáo. Ông Vĩnh hứa kiểm tra ngay bãi rác tại phường Sông Trí và hiện tượng tại bãi rác của Cty Môi trường Kỳ Anh nêu trên.              

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Lực- Đức Anh (Tiền Phong)
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN