Dân bức xúc vì cứ thủy điện xả nước, phải leo lên nóc nhà
Mỗi khi thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả nước, cũng là lúc nhiều người dân phải leo lên nóc nhà để trú ẩn.
Nằm trong tâm lũ lụt những ngày vừa qua ở Hà Tĩnh là xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Mặc dù đã ngập lụt trong nhiều ngày qua, nhưng người dân Phương Mỹ vẫn chưa thể lau dọn đồ đạc do nước vẫn ngập nhà dân, đường sá đều bị ngập sâu. Cầu phao phải tháo dỡ do nước chảy xiết nên phải tạm thời cất bỏ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, cuộc sông bị đảo lộn hoàn toàn.
Ông Nguyễn Hoàng Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, năm 2010, thủy điện Hố Hô cũng đã xả nước gây ra lụt trên diện rộng. Sau nhiều năm nay, đập Hố Hô lại tiếp tục xả nước gây ngập lụt.
"Họ xả nước ồ ạt gây ngập lụt như những ngày vừa qua là không khoa học. Không ai chấp nhận cho đầu tư một dự án thủy điện mà mỗi lần xả nước thì dân vùng hạ lưu lại phải leo lên nóc nhà để trú ẩn", ông Quân bức xúc.
Nhiều nhà dân ở Hương Khê ngập đến nóc nhà
Được biết, trong những ngày qua do mưa lớn, đập thủy điện Hố Hô liên tục xả nước với lưu lượng lớn khiến người dân hạ lưu gánh chịu thiệt hại nặng nề. Một người dân Hà Tĩnh cho biết, việc xả lũ của các hồ đập thủy điện là tất yếu khi nước trong hồ ở mức cao. Tuy nhiên việc xả nước phải khoa học, chẳng hạn vào mùa mưa lũ thì cần phải chủ động xả sớm hơn, mức xả có thể nhỏ để đảm bảo an toàn cho ngưuời dân hạ lưu. Chứ không phải cứ đợi mực nước ở mức cao ở mức báo động thì xả ồ ạt khiến người dân không kịp trở tay. Do đó việc vận hành xả nước cũng cần khoa học, hợp lý hơn.
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, thủy điện Hố Hô xả nước trong những ngày qua cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ngập lụt trên diện rộng của Hương Khê. Theo quy định, trước khi xả nước họ phải báo cáo bằng văn bản, nhưng vừa qua họ lại thông báo qua điện thoại. Do dự án thủy điện này được bộ, ngành phê duyệt chứ không phải do địa phương duyệt nên việc để xảy ra ngập lụt do thủy điện Hố Hô xả nước về sau này thì không ai dám đảm bảo được.
Lực lượng chức năng cùng bà con nhân dân lau dọn các công trình nhà ở
Ông Huấn cho biết thêm, sau khi xảy ra ngập lụt, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xuống hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản lên nơi an toàn. Những hộ dân bị cô lập thì chính quyền cho cano vào đón để đi tạm trú nơi an toàn, đồng thời cấp phát nhu yếu phẩm cho bà con nhân dân.
Gặp PV trên đường đi lấy quà hỗ trợ về, cụ Nguyễn Văn Cừ (80 tuổi), trú tại xóm 7, xã Hà Linh, huyện Hương Khê cho biết: "Nhà tôi ngập gần nửa nhà, vợ chồng tôi phải lên nóc nhà để trú ẩn. May mà lụt đợt này không bằng năm 2010 nên cũng đỡ hơn". Cụ Cừ cho biết vừa lên nhà văn hóa thôn để nhận quà của một số cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ bà con bị lụt bão. Dù chỉ là vài cân thịt, vài cân gạo nhưng đó cũng là tấm lòng đáng quý luôn hướng về vùng lũ chúng tôi.
Cụ Nguyễn Văn Cừ vừa đi nhận nhu yếu phẩm của các cơ quan đơn vị hỗ trợ
Chị Tô Thị Huyền trú tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê chia sẻ, nhà tôi bị ngập hơn 1m đến sáng nay nước mới rút. Sau khi nước rút, bà con xóm làng và chính quyền địa phương đã có mặt tại nhà tôi cùng các nhà dân khác bị ngập lụt để hỗ trợ lau dọn đồ đạc, sửa sang nhà cửa...
Sau khi nước lũ rút dần, các cơ quan đoàn thể của địa phương đã cử lực lượng xuống giúp đỡ bà con nhân dân vùng lũ sửa sang nhà cửa, lau dọn đồ đạc… để bà con sớm ổn định lại cuộc sống.