Dân bị “vận động” nộp lại tiền từ thiện

Sự kiện: Quảng Trị

Người dân thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đang bức xúc việc ban cán sự thôn và một số cán bộ xã dùng nhiều cách ép bà con phải nộp lại một nửa tiền từ thiện đã được nhận.

Đoàn công tác xã hội từ thiện của cộng đồng người Việt Nam tại Đức và báo Công an nhân dân ngày 13/11 phối hợp với một số ban, ngành ở Quảng Trị trao tiền do người Việt Nam tại Đức quyên góp cho người dân trên địa bàn tỉnh này. Đối tượng được nhận là những gia đình khó khăn do bị thiệt hại nặng nề trong các trận lũ lụt vừa qua. 36 gia đình thôn Hà Lợi Trung được trao, mỗi nhà 1 triệu đồng.

Ngay sau khi đoàn công tác xã hội rời khỏi địa phương, ban cán sự thôn đã bằng nhiều cách “vận động” 14/36 hộ nộp lại một nửa số tiền là 500.000 đồng được nhận để phân chia cho những người khác trong thôn. Bị người dân phản ứng, ban cán sự thôn rút xuống còn 10 hộ phải nộp lại. Sau đó ban cán sự thôn phối hợp với một số cán bộ xã Trung Giang như xã đội trưởng, chủ tịch Hội Phụ nữ... gọi 10 hộ này đến nhà văn hóa thôn để làm “công tác tư tưởng”.

Nhiều người dân phản ứng việc làm phản cảm này bởi đây là tiền từ thiện chứ không phải tiền chế độ chính sách. Hộ được nhận tiền là do xóm, thôn, xã, huyện bình xét từ trước. Họ cho rằng, ban cán sự thôn và cán bộ xã chủ trương bớt lại một nửa số tiền của bà con được nhận để phân chia cho những trường hợp khác, phải đúng với thực tế bị thiệt hại, số tiền thu lại để phân chia đó phải bằng số đối tượng được hưởng và công bằng với 10 người đã nhận. Trao đổi vấn đề này với Chủ tịch UBND xã Trung Giang Trần Xuân Tưởng thì ông nói: “Thôn, xã làm như vậy là phù hợp với tình hình địa phương”.

Cũng tại thôn Hà Lợi Trung, như Tiền Phong số 337 ra ngày 2/12 thông tin, 56 người dân trong thôn phản ánh sau khi họ nhận được tiền bồi thường thiệt hại môi trường biển bởi  Formosa, ban cán sự thôn đã “vận động” trích lại một phần tiền để làm lễ kỷ niệm ngày giải phóng xã và phục vụ các hoạt động văn nghệ, đua thuyền truyền thống nhân dịp Tết cổ truyền sắp tới. Mỗi chủ thuyền phải nộp 200.000 đồng, lao động trên thuyền phải nộp 100.000 đồng. Nếu không nộp lại tiền thì bà con bị một số cán bộ địa phương nói xa gần rằng sẽ làm khó trong quá trình sinh sống, sản xuất tại đây, trong đó có  việc làm giấy tờ, xác nhận giấy tờ, hồ sơ liên quan đến việc học tập, lao động của con em họ mỗi khi các cháu có nguyện vọng đi học các trường đại học, cao đẳng...

Sự việc sau đó đã được PV phản ánh với Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trương Chí Trung. Ông Trung cho hay sẽ kiểm tra thông tin để xử lý. Song ngày 3/12, qua điện thoại, ông Trung cho rằng việc đóng góp đó là toàn bộ người dân trong thôn, chứ không riêng 56 chủ thuyền và các lao động trên thuyền này được nhận tiền bồi thường biển. Cán bộ thôn Hà Lợi Trung, cán bộ xã Trung Giang báo cáo lên với ông như vậy. PV hỏi, việc báo cáo đó có khách quan không khi mà hàng chục người dân ở thôn Hà Lợi Trung là nhân chứng của sự việc thì ông Trung nói: “Việc đóng góp đó không có văn bản, giấy tờ nào từ phía thôn, xã nên không thể gọi là ép buộc được, cũng như không có cơ sở để xử lý”(?!).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Thành (Tiền Phong)
Quảng Trị Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN