Dân bản đồng lòng tuần tra bảo vệ ‘báu vật’ giữa đại ngàn
Để tránh bị lâm tặc chặt trộm, mỗi tháng người dân bản Na Hang lại tổ chức một đội tuần tra, kiểm đếm các gốc đinh hương trong rừng.
Hàng chục năm qua, rừng đinh hương cổ thụ được người dân bản Na Hang (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An) xem là báu vật. Để gìn giữ cánh rừng này nguyên vẹn cho đến nay, họ đề ra quy ước, lập đội tuần tra kiểm đếm cây trong rừng mỗi tháng.
Tham gia đội tuần tra, bảo vệ rừng của bản từ năm mới 17 tuổi, anh Lương Văn Nam (SN 1980, trú tại bản Na Hang), đến nay những cây đinh hương trong rừng, anh đều nắm rõ. Anh Nam cho biết, không phải cây nào cũng dễ tiếp cận, bởi cánh rừng này còn khá nguyên sinh, dây leo chằng chịt nên đôi lúc phải mang theo rựa phát xuyên qua những bụi rậm để đi vào.
Trước khi có lệnh cấm cửa rừng của nhà nước, bà con bản Na Hang đã đưa những cây đinh hương trên diện tích rừng của bản vào “danh sách đỏ” thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt, cũng nhờ thế đến bây giờ chúng mới còn đó, sừng sững giữa đại ngàn.
Theo anh Nam, trên diện tích rừng của bản Na Hang hiện còn gần 100 gốc đinh hương cổ thụ, riêng cây nhỏ dưới chục năm tuổi thì đếm không xuể. “Gỗ đinh hương đắt, nên nhiều người nhòm ngó lắm, nhưng dân bản tôi quyết phải bảo vệ. Hàng tháng phải đi kiểm tra một vòng xem có bị chặt trộm không?”, anh Nam nói.
Theo người dân địa phương, để bảo vệ những cây đinh hương này, từ năm 1994, dân bản Na Hang đã lập quy ước riêng, xử phạt rất nặng trường hợp vào rừng chặt cây đinh hương nhằm bảo vệ loài cây quý trước các cuộc “thảm sát” rừng đang diễn ra khắp nơi.
Hàng tháng, bản tổ chức một đội tuần tra kiểm đếm các gốc đinh hương trong rừng, cây nào tự gãy đổ thì mới cho người dân tận thu để làm nhà, còn nếu phát hiện chặt sẽ “truy” người đốn hạ và xử phạt. Tuy nhiên, hàng chục năm qua dân bản vẫn chưa thu được khoản tiền nào bởi chưa ghi nhận một ai đốn hạ cây đinh hương.
Dọc lối mòn người dân thường đi rừng, những cây đinh hương vẫn sừng sững hai bên, xen lẫn là những cây đinh hương loại “cháu, chắt” to chừng bắp chân.
Những cây đinh hương nằm sâu bên trong các lối mòn có khá nhiều loại cây ký sinh, dây leo chằng chịt bám vào.
“Trước đây nhiều người ở nơi khác cũng muốn phát rẫy ở đây nhưng bà con không cho”, ông Kha Văn Ba - Bí thư chi bộ bản Nan Hang nói và cho biết, nhờ sự đồng lòng bảo vệ của cả bản nên đến nay những cây đinh hương vẫn hiên ngang toả bóng trong rừng.
Nguồn: [Link nguồn]
Cây đàn ống là một loại nhạc cụ được chế tạo từ tre, nứa của người Mã Liềng từ xa xưa và được truyền đời cho tận ngày nay; với những nét độc đáo khi được xem...