Dân 2 triệu đi tù, cán bộ mấy tỷ lại án treo

Có bao vụ án nghiêm trọng có ý kiến can thiệp, cản trở từ cấp cao; rồi dân phạm tội 2 triệu đi tù, nhưng cán bộ mấy tỷ đồng lại án treo - Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước bức xúc khi thảo luận về phòng, chống tham nhũng tại Ủy ban Thường vụ QH ngày 18/9.

Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013. 

Cho ý kiến báo cáo, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải có đánh giá hoạt động đấu tranh PCTN. “Báo cáo chưa thấy nói rõ trong lực lượng đấu tranh PCTN có tiêu cực bỏ sót, bao che không, có tham nhũng trong PCTN hay không? Lực lượng đi làm mà không nghiêm thì thôi rồi” - ông Hùng nói.

Tiếp tục “mổ xẻ”, Chủ tịch QH yêu cầu báo cáo phải làm rõ trách nhiệm của những cơ quan chủ lực từ Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan điều tra, Kiểm sát…

Phúc đáp câu hỏi của Chủ tịch QH về việc “trong cơ quan PCTN có tham nhũng không?”, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong thừa nhận chống bỏ lọt tội phạm trong tham nhũng rất khó vì còn liên quan đến thể chế. Có địa phương đưa ra 804 vụ nhưng chỉ xử được vài vụ rồi chỉ xử lý hành chính.

“Tôi khẳng định có vụ có thể xử lý hình sự nhưng đã xử lý hành chính. Tội phạm tham nhũng nhiều nhưng xử lý ít do vì cơ quan Thanh tra, Kiểm toán chuyển sang ít nên không làm sâu được. Nếu làm tốt sẽ hạn chế được bỏ lọt tội phạm, oan sai” - ông Phong phân trần.

Không đồng tình với ý kiến của ông Phong, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói thẳng về thể chế không hẳn là thiếu, bất cập mà do thực hiện không tốt.

Dân 2 triệu đi tù, cán bộ mấy tỷ lại án treo - 1

Ông Ksor Phước: Dân phạm tội 2 triệu thì đi tù, cán bộ mấy tỷ đồng lại án treo

Gay gắt hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, xử lý có vấn đề cần phải làm rõ, nếu không thể trình bày công khai trước QH thì phải nói rõ trong Ban chấp hành Trung ương. “Dân bình thường phạm tội 2 triệu bị bắt tù, cán bộ Nhà nước cả mấy tỷ thì là án treo. Tất cả liên quan đến việc xử lý chưa đúng thì là dấu hiệu tham nhũng, nghi vấn cao là tham nhũng” - ông Phước nói.

Dẫn chứng vụ việc sai phạm ngân hàng xử lý kéo dài, vụ Dương Chí Dũng, ông Phước nhấn mạnh: “Thông tin liên quan đến nhiều cán bộ rồi xử lý đến đâu, xử lý không rõ ràng, “âm thầm lặng lẽ quá” làm dân hoài nghi mà hoài nghi chính nhằm vào sự tồn vong của chế độ”.

Dẫn thực trạng “ngõ ngách” tham nhũng, ông Phước nêu hiện tượng lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chạy” dự án, rồi tại sao các bộ gật cho làm thuỷ điện khắp nơi, thậm chí có dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cán bộ nắm chắc quy định nhưng vẫn cho qua dự án thì người dân và “chính tôi ngồi đây không tin nổi” - ông Phước bức xúc.

Ông Phước hiến kế Thanh tra cần dũng cảm đề xuất tập trung làm trọng điểm những lĩnh vực “dính” đến nhiều tiền, quyền to như lĩnh vực xây dựng, cầu đường, giao thông.

Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T. Dũng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN