Đám tang công chức "thoải mái" vòng hoa

Đây là một trong những nội dung sẽ được làm rõ trong Thông tư tới đây của Bộ VH, TT&DL để hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về quy định tổ chức đám tang công chức.

Ông Phan Đình Tân-Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH, TT&DL cho biết: Bộ này đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn về quy định tổ chức đám tang công chức.

Theo đó, ở nội dung “vòng hoa viếng công chức”, Ban tổ chức lễ tang bố trí 2 vòng hoa cố định hai bên bàn thờ và 5 vòng hoa luân chuyển để đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước đến viếng. Còn các đối tượng khác như: cá nhân, thân nhân của người từ trần có thể dùng vòng hoa hoặc lẵng hoa, bó hoa viếng tại các lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Trước đó, ngày 17/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức. Quy định này thể hiện: đám tang mỗi công chức không có quá 7 vòng hoa. Tuy nhiên, Nghị định này không nói rõ về việc các đối tượng khác như cá nhân, thân nhân của nười từ trần có được phép mang vòng hoa đến viếng hay không? Việc này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Điều này có nghĩa là, đám tang công chức sẽ không còn hạn chế vòng hoa như hiểu nhầm trước đây của người dân trong Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về quy định tổ chức đám tang công chức.

Trao đổi với phóng viên Khampha.vn về vấn đề này, ông Tân khẳng định: Thông tư này ra đời để hướng dẫn, làm rõ các vấn đề còn gây tranh cãi trong Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về quy định tổ chức đám tang công chức chứ không phải vì mục đích thay đổi.

“Đây là quy định lễ tang đối với cán bộ Nhà nước. Đối với cán bộ Nhà nước thì khuyến khích gương mẫu, còn người dân tùy theo nhận thức. Không áp đặt cho người dân. Trong Thông tư tới đây sẽ làm rõ”, ông Tân tiết lộ.

Đối với quy định không lắp kính trên quan tài công chức khi từ trần, người phát ngôn Bộ này khẳng định cũng chỉ áp dụng đối với công chức.

Giải thích về quy định này, ông Tân cho rằng: Lắp kính quan tài là một hiện tượng du nhập, không phải truyền thống. Việc lắp kính chỉ đáp ứng nguyện vọng của một số người.

Tuy nhiên, vị này cho biết, Thông tư cũng chỉ khuyến khích người dân làm theo, bởi: “Nhiều người chưa cân nhắc về góc đô khoa học kỹ thuật bởi, đã lắp kính thì phải làm bền vững, kín nếu không thi thể dễ phân hủy, hoặc kính không chắc dễ vỡ ra rơi vào mặt người quá cố. Nhiều rích rắc ở đó, sao mọi người không cân nhắc cho kín kẽ?”, ông Phan Đình Tân thắc mắc.

Đối với quy định không rắc vàng mã và tiền đồng có mệnh giá ra đường, vị này cho biết không thể có chế tài xử lý vì “nhạy cảm”.

Đám tang công chức "thoải mái" vòng hoa - 1

Khó xử lý việc rải tiền, vàng mã trong đám tang (nguồn Tuổi trẻ)

“Việc rải tiền thật, có mệnh giá thật, có Quốc huy, ảnh Bác Hồ, Ngân hàng Nhà nước ra đường, rồi dẫm lên thể hiện sự xuống cấp của văn hóa. Họ xem như đó là giấy lộn thì còn gì thể diện của Đất nước”, ông Tân bức xúc.

Ngoài ra, theo ông Tân, từ xưa đến nay, việc tang gia, cưới hỏi là những ngày nhạy cảm nên Nghị định cũng chỉ khuyến khích thực hiện. Trước khi đưa ra chế tài thì phải tìm cách thay đổi dần dần thói quen của người dân.

“Tang gia bối rối, mình đến túm phạt người ta thế nào được, đạo lý như thế làm sao được. Nói chung mọi người phải có văn hóa xấu hổ, phải có lòng tự trọng thì xã hội mới tốt được. Không phải cái gì cũng rạch ròi được”, ông Tân nói.

Trước đó, ngày 17/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức. Quy định này thể hiện: đám tang mỗi công chức không có quá 7 vòng hoa. Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định: sẽ không được lắp kính trên quan tài công chức từ trần.

Sau khi đưa ra thông tin này, Nghị định cũng nhận được nhiều ủng hộ từ người dân. Tuy nhiên, cũng không ít những phản đối.

Tuy nhiên, ông Phan Đình Tân cho biết: để ra đời được một Nghị định, các cơ quan Nhà nước phải làm theo quy trình, có nhiều lớp nang, cân nhắc thấu đáo chứ không thể ra ngay một quyết định nào đó.

“ Việc này chỉ khuyến khích thôi nhưng thực ra Nghị định đã được cân nhắc kỹ. Bao nhiêu nhà làm luật, bao nhiêu nhà làm Nghị định, rất nhiều chuyên gia. Không chỉ riêng Bộ này mà còn có các Bộ ngành liên quan, văn phòng Chính phủ. Sau khi thẩm định xong, đưa đi đưa lại nhiều vòng, Thủ tướng chuẩn bị đặt bút ký thay mặt Chính phủ lại đưa lại các bộ thẩm định lại lần nữa. Cái đó không có gì sai”, ông Tân khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN