Đám cưới đồng tính: "Họ rất dũng cảm"

Đó là nhận xét của ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) về đám cưới đồng tính nam vừa được tổ chức ở thị xã Hà Tiên, Kiên Giang gây xôn xao dư luận.

"Tôi tin Việt Nam sẽ chấp nhận hôn nhân đồng giới"

Đám cưới đồng tính: "Họ rất dũng cảm" - 1

Ông Lê Quang Bình

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE: Tôi cho rằng 2 người thanh niên mới tổ chức đám cưới tại Kiên Giang đã dám làm điều mà hầu hết số đông người giống mình không dám làm. Họ thực sự là những người dũng cảm! Nếu hai thanh niên kia không dám đối diện với sự thật và cố gắng tìm hiểu, yêu rồi cưới hai cô gái, chắc chắn họ sẽ không hạnh phúc, bản thân hai cô gái cũng không hạnh phúc.

Viện chúng tôi vừa thực hiện một nghiên cứu khoa học về người đồng tính. Theo đó, người đồng tính chiếm khoảng 3% so với dân số cả nước, gồm cả người công khai và chưa công khai. Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ chung về người đồng tính của các nước.

Luật Hôn nhân và Gia đình không cho phép người đồng giới kết hôn với nhau, còn việc hai người cùng giới tổ chức đám cưới thì đó chỉ là một hoạt động xã hội bên ngoài, không bị điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình.

Nhiều người nhầm lẫn giữa việc đăng ký kết hôn cho người đồng giới với việc tổ chức đám cưới của người đồng giới.

Ông Lê Quang Bình

Ở Việt Nam, người đồng tính vẫn luôn bị kỳ thị bởi chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp... Sự định kiến nhìn thấy rõ nhấtqua lời nói, cách gọi như "ái nam, ái nữ" hay sử dụng cụm từ "người bình thường" khi so sánh với người đồng tính. Do mặc cảm, nhiều người vẫn không dám công khai về con người thật của mình.

Tất nhiên, trong xã hội, khi hai người nam hoặc hai người nữ yêu nhau vẫn là điều khác so với số đông nên nhiều người cảm thấy lạ. Điều đó dẫn đến việc bị người ta để ý và khó chấp nhận. Tuy nhiên, khi quen và hiểu điều đó, người ta sẽ thấy hoàn toàn bình thường. Khi xã hội ngày càng cởi mở, người đồng tính sẽ dám sống là chính mình nhiều hơn và chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều hơn.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thừa nhận người đồng tính và chấp nhận việc kết hôn đồng giới. Đó là những quốc gia có nền kinh tế, văn minh phát triển.

Tôi tin rằng, ở Việt Nam bây giờ thì chưa nhưng dần dần cũng có thể chấp nhận hôn nhân đồng giới như nhiều nước khác.

Pháp luật thừa nhận, xã hội sẽ chấp nhận

Đám cưới đồng tính: "Họ rất dũng cảm" - 2

Ông Ngô Đức Thịnh

Giáo sư, Tiến sĩ Văn hóa Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết: Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, người đồng tính không được xã hội thừa nhận là một con người. Họ bị phân biệt đối xử, coi như những kẻ bệnh hoạn có lối sống không lành mạnh. Trước đây, nhiều gia đình có con là người đồng tính phải hứng chịu búa rìu dư luận, phải sống dằn vặt giày vò, không dám ra ngoài rất khổ sở. Gia đình nào có con cái như thế thì bị coi là đồ bỏ đi, thậm chí có người phải tự tử.

Quan niệm đó không còn phù hợp. Tất nhiên, trong quan hệ đồng giới vẫn có những trường hợp không lành mạnh, nhưng đồng tính không phải là lỗi của họ, mà là tự nhiên. Càng ngày người ta càng cho rằng, con người không chỉ có hai giới mà là ba giới. Vấn đề mấu chốt hiện nay là pháp luật Việt Nam không cho phép kết hôn đồng giới. Cho nên nếu luật pháp thừa nhận thì tiến tới xã hội cũng sẽ chấp nhận.

Trong tín ngưỡng đạo Mẫu, có nhiều đồng cô, đồng cậu là người đồng tính. Những người này được những tín đồ theo đạo Mẫu chấp nhận, thậm chí coi trọng.

Đến khi xã hội chấp nhận người đồng tính, chúng ta cũng nên xây dựng cho họ nếp sống văn hóa. Nam có văn hóa của nam, nữ có văn hóa của nữ, và người đồng tính cũng cần có nét văn hóa của riêng họ.

Trao đổi với PV về việc đám cưới đồng tính ở thị xã Hà Tiên, Kiên Giang bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính, luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng văn phòng luật sư Trịnh - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, việc xử phạt này chắc chắn không thể có lý do là kết hôn đồng giới. Trong trường hợp hai người đồng giới sống cùng nhau, ngoài ra không có bất cứ vi phạm pháp luật nào thì cũng không thể xử phạt được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Vân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN