Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước

Sự kiện: Thời sự

Sáng 22/5, 472/473 đại biểu có mặt thông qua nghị quyết bầu đại tướng Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Đúng 9h, tân Chủ tịch nước Tô Lâm bước lên bục thực hiện nghi lễ tuyên thệ.

Tay trái đặt trên Hiến pháp, tay phải giơ cao, ông nói: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Hiến pháp, nỗ lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ. Video: VTV

Phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước nói đây là vinh dự, trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để ông cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư "dốc toàn bộ tâm sức, trí lực, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn".

Ông Tô Lâm cho biết sẽ tích cực thực hiện nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, quốc phòng an ninh của đất nước, nỗ lực thực hiện thắng lợi mọi chủ trương đường lối của Đảng, trước hết là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13.

Ông cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân trong giai đoạn mới; "kiến tạo nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, tiên tiến, phát triển, nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại".

Đại tướng Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Hoàng Phong

Đại tướng Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Hoàng Phong

Tân Chủ tịch nước cho biết sẽ chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

"Tôi sẽ cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa", ông nói.

Chủ tịch nước khẳng định kiên định và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, mang đậm bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam", chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Ông cũng hứa đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt, "không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương và ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Tân Chủ tịch nước phát biểu nhậm chức. Video: VTV

Sáu ngày trước, Trung ương "thống nhất rất cao" giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Đại tướng Tô Lâm 67 tuổi, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; Đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15.

Sau khi theo học trường Công an Trung ương, nay là Học viện An ninh nhân dân, ông Tô Lâm bắt đầu sự nghiệp ở Cục Bảo vệ chính trị 1 rồi làm Cục phó Bảo vệ chính trị 1, Cục trưởng Bảo vệ chính trị 3, Tổng cục An ninh. Năm 2009, khi mang quân hàm thiếu tướng, ông được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 1.

Tháng 8/2010, ông làm Thứ trưởng Công an và giữ cương vị Bộ trưởng Công an từ tháng 4/2016. Đầu năm 2019, ông Tô Lâm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thăng quân hàm lên đại tướng, trở thành người thứ tư trong lịch sử công an nhân dân mang quân hàm cao nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ôm chúc mừng tân Chủ tịch nước Tô Lâm, bên phải là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bên trái là Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: Hoàng Phong

Thủ tướng Phạm Minh Chính ôm chúc mừng tân Chủ tịch nước Tô Lâm, bên phải là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bên trái là Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: Hoàng Phong

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước từ 21/3 đến nay.

Theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Người đứng đầu Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp quy định như: công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ tịch nước cũng có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá.

Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Toàn cảnh lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Chủ tịch nước Tô Lâm. Video: VTV

Nguồn: [Link nguồn]

Sáng 22/5, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước và miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an với đại tướng Tô Lâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dự ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN