Đại tướng Phan Văn Giang: Cần nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan
Đại tướng Phan Văn Giang lý giải đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ nhằm tận dụng lực lượng sĩ quan có trình độ, kinh nghiệm và giảm áp lực đào tạo cán bộ.
Chiều 28/10, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết hạn tuổi phục vụ của sĩ quan hiện nay chưa tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận cán bộ khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp úy đang là 46; thiếu tá là 48; trung tá là 51; thượng tá là 54; đại tá là 57 đối với nam và 55 đối với nữ; cấp tướng nam 60, nữ 55 tuổi.
Theo tướng Giang, trước nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy tinh nhuệ, hiện đại và tác động của các yếu tố an ninh, cần giữ gìn đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe. Vì vậy, dự luật điều chỉnh nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ để sĩ quan có thời gian phục vụ Quân đội dài hơn, giảm áp lực đào tạo cán bộ, phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội "là ngành lao động đặc biệt".
Việc nâng hạn tuổi sẽ phù hợp tính chất, nhiệm vụ của sĩ quan gồm: chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ, đóng quân làm nhiệm vụ ở vùng sâu, biên giới, biển đảo. Mặt khác, việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan còn bảo đảm kịp thời phục vụ công tác nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Media Quốc hội
Theo dự thảo, tuổi phục vụ của thiếu tá được đề xuất nâng từ 48 lên 52, trung tá từ 51 lên 54, thượng tá từ 54 lên 56, đại tá từ 57 đối với nam và 55 đối với nữ lên 58. Cấp tướng vẫn giữ nguyên tuổi phục vụ là 60 đối với nam, còn nữ tăng từ 55 lên 60.
Sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện, quân đội có nhu cầu, thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm. Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Quốc phòng.
Sĩ quan dự bị cũng được đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Cấp úy sĩ quan dự bị tăng từ 51 lên 53 tuổi, thiếu tá từ 53 lên 55, trung tá từ 56 lên 57, thượng tá từ 57 lên 59, đại tá từ 60 lên 61. Cấp tướng giữ nguyên mức 63. Đối với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, hạn tuổi phục vụ cao nhất thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết việc tăng tuổi của cấp úy, cấp tá nhằm tiện cận với quy định tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động hiện hành. Tăng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ thu hút nhân tài vào quân đội, tận dụng được thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan.
Theo luật hiện hành, sĩ quan phải nghỉ hưu khi chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm nên không được nhận đủ 75% lương. "Anh em về cũng rất thiệt thòi, nên dự luật kéo dài tuổi để bảo đảm khi về hưu được hưởng đủ chế độ", ông nói.
Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho hay các cơ quan đã dùng máy móc, công nghệ để tính toán, phân tích dữ liệu để đề xuất tăng độ tuổi phục vụ phù hợp nhất, không ảnh hưởng đến cơ cấu quân đội và đảm bảo sức khỏe phục vụ của lực lượng đặc thù.
Tăng tuổi phục vụ của sĩ quan phù hợp chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết Ủy ban đồng tình hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan quân đội theo mức khác nhau. Việc này bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Việc nâng hạn tuổi giúp bảo đảm cho sĩ quan tham gia đóng BHXH đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Song qua lấy ý kiến, có thành viên Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc thực hiện chế độ, chính sách, BHXH sau khi tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan; tác động về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù. Có ý kiến đề nghị quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất phù hợp với yếu tố đặc thù nghề nghiệp, vị trí, môi trường địa bàn công tác, tính chất từng nhóm nhiệm vụ, nhóm công việc trong quân đội để bảo đảm điều kiện sức khỏe của sĩ quan.
Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu hạn tuổi đối với một số vị trí làm công tác nghiên cứu tại các học viện, nhà trường, đơn vị chuyên môn; làm rõ quy định hạn tuổi phục vụ của nam, nữ sĩ quan bằng nhau để đảm bảo phù hợp với thực tiễn yêu cầu công việc cũng như đặc thù về giới.
Bộ Quốc phòng cũng cần tiếp tục rà soát nghiên cứu lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với lực lượng được đào tạo chuyên sâu, còn sức khỏe làm việc và khả năng cống hiến để đảm bảo tương quan, thống nhất về tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công an nhân dân.
Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam được trình Quốc hội thông qua trong một kỳ họp.
Nguồn: [Link nguồn]
Tới đây, lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay đổi cách tính. Đối với người đóng BHXH từ ngày 1/1/2025 thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng, tương tự khu vực doanh nghiệp.