Đại tướng Lê Đức Anh và cuộc giảm quân lịch sử

Việc giảm quân số thường trực và điều chỉnh thế bố trí chiến lược đã góp phần tạo ra một thế trận phòng thủ quốc gia mới, phù hợp với tư duy nghệ thuật quân sự hiện đại.

LTS: Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, là người có thời gian gắn bó với Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của ông về dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh lúc ông đang là bộ trưởng Bộ Quốc phòng với cuộc giảm quân lịch sử.

Đại tướng Lê Đức Anh nhận nhiệm vụ tổng tham mưu trưởng rồi bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1986-1991) trong bối cảnh đất nước bị bao vây cấm vận, nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng, lạm phát lên 744%, quân đội thường trực lúc cao nhất có đến 1,6 triệu người, vượt quá xa khả năng bảo đảm của hậu cần quân đội. Trong lúc đó, chúng ta vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trong nước lại vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và đương đầu với hoạt động tranh chấp gây hấn thường xuyên ở phía Bắc.

Cuộc giảm quân chưa từng có

Do đóng chốt trên dọc tuyến biên giới địa hình chia cắt phức tạp, đời sống của bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Ngân sách quốc phòng chiếm tới 25% tổng thu nhập quốc dân nhưng vẫn không đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, trang bị, huấn luyện và chiến đấu của bộ đội.

Sau khi nghiên cứu, đề đạt ý kiến và được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giảm quân, ông Lê Đức Anh đã chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch giảm trên 60% quân số thường trực, xác định các đối tượng giảm và lộ trình giảm trong ba năm.

Theo đó, các đơn vị được cắt giảm gồm: Trung đoàn, tiểu đoàn thứ tư của các sư đoàn; rút gọn biên chế đối với tất cả sư đoàn bộ binh, trung đoàn binh chủng, khung huấn luyện, trường lớp của các quân khu, các quân chủng, binh chủng, cơ quan, cơ sở phía sau. Đồng thời chuyển bớt một số cơ sở xây dựng kinh tế ra Nhà nước quản lý; kiện toàn cơ quan quân sự tỉnh/huyện.

Đến năm 1988, quy hoạch này đã giúp giảm 44 vạn quân so với năm 1986; đến năm 1990, toàn quân còn 70 vạn (trong đó có năm vạn quân xây dựng kinh tế). Đây là cuộc giảm quân phi thường, chưa từng có trong tiền lệ Quân đội Việt Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh và cuộc giảm quân lịch sử - 1

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng (bìa trái, hàng trên cùng) kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1987. Ảnh: TƯ LIỆU

Tạo ra một thế trận phòng thủ quốc gia mới

Việc giảm quân số gắn liền với tiến trình bố trí lại lực lượng sao cho phù hợp với xu thế đổi mới được Đại hội Đảng 6 khởi xướng, khắc phục được những khó khăn vừa nêu mà vẫn giữ vững và tăng cường được khả năng phòng thủ đất nước. Đó là con đường đổi mới trong xây dựng quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng với phát triển kinh tế.

Sau đợt khảo sát thực tế, ông Lê Đức Anh báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương và giao trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Ông đã cùng Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê chỉ đạo các cơ quan tác chiến và quân lực triển khai nghiên cứu, biên soạn và tổ chức thực hiện việc điều chỉnh lực lượng và thế bố trí chiến lược trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Lê Đức Anh, “đây không phải là sự bố trí cơ học thuần túy vị trí đứng chân của từng đơn vị, mà phải dựa trên nền tảng tư duy mới, gắn với việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), để vừa chống được bạo loạn lật đổ trong nội địa, vừa chống được chiến tranh xâm lược từ ngoài vào”.

Ông luôn nhấn mạnh việc bố trí thế chiến lược nói trên phải do cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo, điều hành. Bí thư tỉnh ủy đồng thời là bí thư đảng ủy quân sự tỉnh (thành phố), trực tiếp chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang và khu vực phòng thủ của địa phương đủ sức giữ vững trật tự, an ninh chính trị, xã hội vừa sẵn sàng ứng phó thắng lợi trước mọi tình huống.

Ông còn cùng cơ quan Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo từng việc cụ thể về bố trí từng đơn vị, điều chuyển từng cơ quan của Bộ, của các quân khu, quân chủng, nhất là lực lượng phòng không quốc gia và lực lượng hải quân, phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa.

Việc giảm quân số thường trực và điều chỉnh thế bố trí chiến lược là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1987-1990, thời kỳ ông Lê Đức Anh làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Điều này góp phần tạo ra một thế trận phòng thủ quốc gia mới, phù hợp với tư duy nghệ thuật quân sự hiện đại và xu thế phát triển về kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước, đặt tiền đề cho tiến trình phá bỏ thế cấm vận, hội nhập và phát triển những năm thập niên 90 của thế kỷ trước.

Giải quyết chính sách cho cán bộ, sĩ quan ra quân

Khi giảm quân số, vấn đề đặt ra trước tiên là phải giải quyết chính sách, chế độ đối với cán bộ, sĩ quan ra quân. Để làm việc này, ông Lê Đức Anh đã đề xuất các chính sách phù hợp để những cán bộ lớn tuổi khi ra quân có nơi ở đàng hoàng.

Ngoài ra, đối với số cán bộ, chiến sĩ thuộc diện giảm quân số nhưng tuổi còn trẻ, có sức khỏe tốt, ông đã đề nghị các bộ, ban, ngành có liên quan ưu tiên bộ đội xuất ngũ được đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Đề nghị này của ông được trung ương nhất trí, các bộ, ban, ngành ủng hộ.

Lần đầu tiên trong lịch sử quân đội, bộ đội ra quân được tổ chức thành “đoàn”, “đội” có tổ chức nề nếp, chặt chẽ ra nước ngoài lao động. Tính từ năm 1987 đến năm 1990, quân đội đã tổ chức cho 37.338 người đi lao động xuất khẩu. Trừ một số rất ít ở lại nước sở tại, còn hầu hết đều về nước sau khi được đào tạo nghề và có một khoản thu nhập làm vốn đầu tư sản xuất ổn định kinh tế gia đình, góp phần giải quyết khó khăn chung cho đất nước. 

PGS-TS HỒ SƠN ĐÀI

Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong 2 ngày

Các đoàn đến viếng không mang theo vòng hoa, chỉ mang theo băng viếng tang (màu đen, chữ trắng) ghi tên đơn vị để gắn vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN