Đại sứ trào nước mắt ở Ấn Độ
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu chia sẻ trong cuộc đời của mình, kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ ông cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế.
Bộ Y tế Ấn Độ hôm 23-4 thông báo thêm hơn 330.000 ca nhiễm và hơn 2.200 ca tử vong sau 24 giờ, vượt qua kỷ lục buồn do chính quốc gia này thiết lập vào 1 ngày trước đó với 315.000 ca nhiễm và 2.100 ca tử vong. Làn sóng lây nhiễm mới đang khiến hệ thống y tế Ấn Độ quá tải, thiếu nguồn cung ô-xy y tế và giường bệnh cho các bệnh nhân Covid-19.
Lò thiêu xác quá tải, có trường hợp người dân đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt - Ảnh chụp báo chí Ấn Độ do Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu chia sẻ trong cuộc đời của mình, kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ ông cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế.
Giờ đây, không ít người mắc Covid-19 ở đây thì chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và sự may rủi của số phận vì gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng thường được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở ô-xy đã hết và ô-xy cũng hết luôn. "Cứ 40 giây lại có một người chết vì Covid-19. Mà họ đâu có phải xa lạ gì, nhiều người là mối quen biết và đối tác làm việc của Đại sứ quán"- Đại sứ Phạm Sanh Châu đau lòng chia sẻ.
Bệnh viện ở Ấn Độ không còn giường bệnh trước làn sóng Covid-19. Ảnh: Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp
May mắn nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các Vụ chức năng mà Đại sứ quán có được một giường chữa bệnh cho một kỹ sư Việt Nam đang xây trụ sở cho Đại sứ quán. Kỹ sư này đã sốt trên 39 độ sau 5 ngày liên tiếp mà không thuyên giảm. Súp yến đổ vào miệng mà vẫn không trôi. Có lúc nồng độ ô-xy trong máu dưới 90%, mức có thể gây tử vong. Còn công trường xây dựng trụ sở mới đã trở thành ổ dịch, "giờ đây, nơi nào ở đây cũng trở thành ổ dịch".
Phải đích thân "xuất Đại sứ" để đảm bảo có được giường bệnh ở bệnh viện Apollo ở Delhi mặc dù về nguyên tắc Bộ Ngoại giao Ấn Độ đồng ý và trực tiếp hỗ trợ. Đau đớn biết rằng để có được "giường bệnh" này có thể phải đánh đổi bằng sinh mạng của người khác. Có được giường mừng rơi nước mắt vì vừa tủi vừa thương. Tuy nhiên, bệnh nhân mãi vẫn không nhập viện được vì họ không tìm thấy kết quả xét nghiệm dương tính đâu, đành để bệnh nhân ngồi ngoài đường chờ. Sau 3 tiếng chờ đợi, khi bệnh nhân vào đến phòng ô-xy thì lượng ô-xy trong máu chỉ còn 84%, rất nguy kịch. Nhờ máy thở lên được 92%.
Phải đích thân "xuất Đại sứ" để đảm bảo có được giường bệnh ở bệnh viện Apollo ở Delhi cho một kỹ sư Việt Nam đang xây trụ sở cho Đại sứ quán đang trong tình trạng nguy kịch. Ảnh chụp Đại sứ Phạm Sanh Châu và lực lượng chức năng Ấn Độ tại Apollo Hospitals Delhi. Ảnh do Đại sứ cung cấp
"Cứ tưởng Ấn Độ đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm nhất, cán bộ và nhân viên trong Đại sứ quán sẽ bình an vì đã từng nhiễm bệnh. Nhưng không ! Điều tồi tệ nhất đang chờ ở phía trước. Ngay cả những ai đã tiêm 2 liều vắc-xin vẫn có thể nhiễm như cựu Thủ tướng Momanhant Singh. Nhiễm rồi vẫn có thể bị tái nhiễm.
Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nhìn ra đường chỉ nhìn toàn thấy xe cứu thương chạy ngược xuôi. Đến lò thiêu xác cũng quá tải đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt. Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi, sao chỉ sau mấy ngày mà để "vỡ trận" rơi vào "cơn đại hồng thủy" như vậy ? Chẳng lẽ là nước sản xuất 60% vắc-xin trên thế giới mà phải thua trận chiến này sao ?"- Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Việt Nam và Ấn Độ là hai nước có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước diễn ra thường xuyên. Từ khi đại dịch bùng phát, thực hiện sứ mệnh bảo hộ công dân, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã nỗ lực tổ chức 4 chiến dịch với 6 chuyến bay đưa hàng trăm người Việt gặp khó khăn về nước. Trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, phụ nữ có thai, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, nhiều tăng ni, Phật tử tham gia khóa tu ở các viện Phật giáo tại Ấn Độ, người đi du lịch bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động.
Công tác bảo hộ công dân càng gặp khó khăn khi người Việt Nam tại Ấn Độ ở rải rác 20 tiểu bang khác nhau. Khi Ấn Độ phong toả, không có chuyến bay nội địa, việc tập kết đủ người cho một chuyến bay không phải dễ dàng khi các địa bàn cách xa nhau, có nơi phải đi đường bộ 3 ngày 3 đêm... Trong khi căng mình hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt trong vùng dịch về nước, vào cuối năm 2020, đã có tới 80% cán bộ của Đại sứ quán mắc Covid-19 (22 người trong tổng số 26 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và 18 người thân). May mắn, với tinh thần quyết chiến và quyết thắng, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã đoàn kết cùng bước qua bệnh dịch.
Một số hình ảnh do Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cung cấp:
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu đến Apollo Hospitals Delhi với "xuất Đại sứ" để đảm bảo có được giường bệnh ở bệnh viện cho kỹ sư người Việt Nam
Đại sứ chia sẻ: "Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra... Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi"
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo, dịch COVID-19 tại một số nước láng giềng đang tăng mạnh, Việt Nam kiểm...