Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân COVID-19: Xoa dịu vết thương lòng
Buổi lễ cầu siêu diễn ra trong không khí trang trọng nhằm tri ân đồng báo đã tử vong, các cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y tế, đã hy sinh trong công tác tuyến đầu phòng chống dịch và xoa dịu phần nào những vết thương lòng sau đại dịch.
Sáng ngày 18-11 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam Quốc Tự. Các phật tử tham gia đại lễ được test COVID-19 trước khi vào bên trong hội trường. Đại lễ kỳ siêu được tổ chức theo hình thức không tập trung đông người, vì vậy hội trường có sức chứa tối đa 1000 người, nhưng chỉ khoảng 200 chư tăng phật tử tham dự.
Khu gian chính thờ Phật và các Bồ tát được bài trí giản dị, trang trọng. Lễ vật gồm có trái cây, các loại bánh và mâm cơm dâng cúng cho đồng bào tử nạn được ấm lòng no dạ.
Đúng 8h, Đại lễ bắt đầu, Hòa Thượng Thích Chí Quảng, Đệ nhất phó pháp kim giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt nam cùng Ban nghi lễ mang kiềng trì và trầm hương cung thỉnh Đại Tăng quang lâm lễ đài.
Các Chư tôn giáo phẩm cùng đại diện lãnh đạo thành phố lên trước áng thờ làm nghi lễ niệm hương cầu siêu tưởng niệm trước bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tất cả chư tăng, phật tử dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân đã qua đời vì đại dịch.
Ban nghi lễ đang cầm pháp khí thinh lặng để tiến linh cho người đã mất.
Theo quan niệm Phật giáo, tử vong trong hoàn cảnh dịch bệnh như vừa qua, là cái chết không bình thường, được gọi là “hoạnh tử”, do vậy rất cần tới sự trợ duyên của mọi người về mặt tinh thần.
Sau phần lễ đại chúng là nghi lễ truyền thống, tâm linh do chư Tăng thực hiện, tụng kinh Di Đà, dâng sớ kỳ siêu và chúc thực (cúng cơm cho chư hương linh). Các tăng ni, phật tử cùng đọc kinh để cầu siêu.
Những phật tử đến từ các quận huyện trên địa bàn TP.HCM có người thân mất trong đại dịch vừa qua cũng có người phát tâm đến để san sẻ nỗi đau, cầu siêu cho người đã mất. Bà Nguyễn Thị Phương Lam (quận 8) cùng niệm kinh, cầu nguyện cho những người thân của bà không may qua đời khi chống chọi với dịch bệnh. "Tôi hy vọng tất cả người thân của tôi cũng như người thân của cô bác thập phương an lòng, ra đi thanh thản." - Bà Lam nói.
Chị Phạm Thị Xuân Trường (Tân Bình) không giấu nổi nước mắt trong buổi đại lễ. Mẹ chị Trường mất trong tháng 9 vừa qua vì COVID -19 chỉ sau 12 ngày phát bệnh. Những ngày sau khi mẹ mất là những ngày cả gia đình chị vương vào nổi đau, không ai làm được việc gì vì nỗi buồn quá lớn. "Mẹ mất, dù bất ngờ và hụt hẫng nhưng tôi và mọi người buộc phải chấp nhận, tôi mong mẹ có thể được an lòng, cả nhà ai cũng nhớ về mẹ".
Những gia đình có thân nhân qua đời vì dịch bệnh không thể trực tiếp đến kỳ siêu có thể tham dự cùng chư Tăng qua các phương tiện kết nối thông tin liên lạc (truyền hình trực tuyến, zoom) nương duyên chư Tăng, thay mặt thân nhân đã qua đời để niệm Phật, lễ Tam bảo.
Nguồn: [Link nguồn]
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu tập trung triển khai các hoạt động chăm lo cho trẻ mồ côi, người già neo...