“Đại gia” trúng số 4 tỉ thành kiếp… phụ hồ
Những người nông dân chân đất, sống trong cảnh nghèo khổ bỗng chốc được “hưởng sái lộc trời”, một phút đổi đời khi ẵm cả tỉ đồng nhờ trúng vé số. Tưởng như, họ sẽ đổi vận và sẽ hưởng xa hoa đến già. Nào ngờ khi có tiền, họ ăn tiêu xả láng, từ “đại gia chân đất” lại quay về với kiếp phận nghèo.
Và trong những nhân vật trúng vé số tiền tỉ ấy, PV báo ĐS& HN đã gặp và chứng kiến thảm cảnh của những “đại gia” rơi vào bi kịch.
“Phong à (?) Có phải “Phong đại gia” ở cái làng sông nước Hòa Nghĩa này không (?). Nhắc đến nó, cả khu vực này ai chả biết. Trước nó giàu lắm, tiền tiêu như rác, suốt ngày lượn lờ trên cái xe SH bóng nhoáng, la cà quán xá, nhậu nhẹt thâu đêm. Có khi, nó ném cả vài trăm triệu đồng chỉ sau một đêm tham gia bên chiếu bạc. Giờ nhà nó đó, trong con hẻm sâu hút tầm mắt, vợ con đang đói nhách nheo thôi, suốt ngày phải làm thuê kiếm sống qua ngày”, bà chủ quán nước nơi con đường lộ dẫn vào nhà Hồ Văn Phong (41 tuổi) phác thảo qua về “đại gia” xổ số một thời ở miệt vườn.
“Đại gia chân đất” vung tiền như rác
Con đường dẫn vào nhà Phong “đại gia” ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang u ám như chính số phận của con người này. Băng qua những chiếc cầu tạm gập ghềnh, những trục đường đất nham nhở hở toác, nhầy nhụa sau cơn mưa chiều khiến chúng tôi ái ngại. Và nếu như không có sự chỉ đường tận tình, thì có lẽ trong mường tượng của mình, chúng tôi cũng không thể hình dung nổi, chàng trai một thời được tôn xưng “đại gia” ở cái ấp nghèo Hòa Nghĩa lại sống trong chỗ heo hút đến vậy.
Bánh xe trầy trật dừng trước cổng sắt bóng loáng, nhà Phong hiện lên giữa màn đêm u tịch nơi miệt vườn. Không ánh điện, ngôi nhà lờ mờ leo lét chạy dài sâu hun hút so với cánh cổng. Thoạt nhìn, kẻ yếu bóng vía sẽ phải giật mình. Cố bấm còi, gọi cửa, pha đèn xe máy dọi vào, mãi một lúc tôi mới thấy người phụ nữ trẻ, tay bồng bế đứa con dặt dẹo đi từ phía trong nhà ra. Thấy khách, khác với vẻ nhiệt tình của người dân, chị nhìn qua cánh cửa sắt, giọng với: “Chú tìm ai?”.
Phong “đại gia” liên tục nuối tiếc và nuôi mộng ước làm giàu từ những tờ vé số đầy may rủi (Ảnh: T.G)
Liếc vào phía trong ngôi nhà nằm kéo dài trên diện tích hơn 1000m2, đập vào mắt tôi là chiếc bể bơi nhìn rất “hoành tráng” được chủ nhân cất công xây dựng ngay phía trước hiên. Ngoài ra, trong nhà tài sản chẳng có thứ gì gọi đáng giá trị. Mà có lẽ, đồ đắt tiền nhất tôi chỉ thấy là chiếc xe máy dream cũ rích, bong tróc sơn, không cài yếm đặt ở góc sân. Phong “đại gia” nhìn tôi chẳng mấy thiện cảm, hất hàm hỏi: “Chú lại tìm hiểu vụ vé số hả (?). Chuyện đó qua lâu rồi, có gì đâu để nói. Giờ tôi vẫn còn chơi vé số nè, chiều nay mới mua chục tờ xong”.
Thời “oanh liệt” với Phong là cả một chặng đường dài sống trong sự vương giả. Những ký ức của gã trai lực điền là cả một trang dài trong cuộc đời. Mới chỉ cách đây 6 năm thôi, cả làng quê ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bỗng xôn xao, bàn tán hết lời khi thấy Phong đột nhiên trúng loạt 36 tờ vé số. Câu chuyện ầm ĩ này nhanh chóng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Và Phong, chàng trai lúc ấy mới tròn 34 tuổi nghiễm nhiên được tôn làm “đại gia” khi sở hữu 4 tỉ đồng “lộc trời”.
Trong 6 năm trước, khi có tiền, “lên đời” ở tầm cao hơn, Phong sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng về thành phố Mỹ Tho sắm ngay chiếc xe SH đập hộp, về chạy lượn lờ khắp làng trên xóm dưới cho dân làng… choáng. Hàng ngày, Phong lê la hết quán cà phê này đến quán cà phê khác, cứ vểnh mặt lên ngồi trong quán, đợi mấy người đi bán vé số dạo đến mời chào là vung đống tiền ra mua cả xấp.
Số vé số ấy, Phong thừa nhận chẳng thể nhớ nổi mình đã “đốt” hết bao nhiêu tiền, mà chỉ mường tượng ra cảnh, cứ đến giờ có kết quả là lôi ra ngồi dò cả mấy tiếng đồng hồ để tìm vận may. Nếu không trúng vé nào thì hôm đấy coi như xui và Phong lôi đám bạn cùng quê tìm đến quán nhậu. Thời "oanh liệt" ấy, Phong hay tìm đến vũ trường để cho túi tiền “bớt căng”. Tôi hỏi: “Thế sao nhiều tiền không sắm chiếc ô tô xịn đi chơi vui?”, Phong buông lời: “Gì chứ ô tô đơn giản không à! Mà ở đây đường nhỏ, ô tô không vào được. Có tiền là phải ăn chơi cho khỏi phí tuổi xuân. Dù sao tiền đó đâu phải mình tự làm ra. Xởi lởi trời cho mà chú”.
Có tiền, Phong “đại gia” bắt đầu nghĩ đến chuyện lấy vợ. Người phụ nữ hiện tại đang sinh sống với anh ta thua chồng gần 20 tuổi. Những tưởng có vợ, Phong sẽ chắt bóp chi tiêu, giao tiền vợ quản lý, ngờ đâu bản tính ham chơi vẫn hiện hữu, anh ta vẫn kiểm soát, giữ tiền ăn chơi như thói quen cũ.
Vì thế, mới có giai thoại về Phong ở đây được người dân ví von bằng câu nói khá hóm hỉnh: “Phong “đại gia” may mà nhà chưa mất”. Hỏi một vài người vì sao có câu nói ấy, chúng tôi được biết: “Lúc nhiều tiền, có đêm nó đánh bài mất cả tiền tỉ mà đâu có xót. Tiền nhậu, tiền mua vé số, tiền ăn chơi, có ngày phải lên đến vài chục triệu đồng. Dù có là tiền tấn thì cũng hết huống chi mấy tỉ. May mà nó còn khôn, cất được cái nhà tá túc, nếu không thì giờ nó chắc phải vạ vật đâu đó quá”.
Quay về “máng lợn”
Chuyện ăn chơi của Phong “đại gia” ở làng quê Hòa Nghĩa ai cũng tường tận và nuối tiếc thở dài. Bởi, khi đã có tiền tỉ, Phong chẳng màng tới chuyện giữ vốn liếng làm ăn, mà suốt ngày chỉ tham gia bù khú với đám bạn nhậu và tìm vận may quanh những tờ vé số đầy may rủi. Vậy nhưng, dù có nướng cả đống tiền vào đó, các con số may mắn vẫn lẩn tránh. Chỉ trong thời gian gần hai năm, từ một “đại gia”, Phong bỗng chốc trở về với cuộc sống bần hàn.
Trong lúc nói chuyện, chúng tôi nhìn thấy ánh mắt nuối tiếc nhưng vẫn toát lên vẻ thèm khát những ngày tháng trở lại cuộc sống vương giả của Phong. Anh ngồi trầm ngâm, thỉnh thoảng pha vài câu chuyện cười: “Giờ, ngày nào tôi cũng mua vé số hết trơn, cứ có tiền là mua. Ngay như chiều nay nè, đi làm về tôi cũng mua luôn 7 tờ, có khi mai lên ẵm giải mấy tỉ cũng nên”. Để chứng minh là mình vẫn còn gặp hên, anh dẫn chứng thêm mấy bận đều trúng vé số nhưng chỉ lẻ tẻ thôi, mai mốt mới phát tài được.
Chẳng hiểu là vận may có tiếp tục mỉm cười một lần nữa với người đàn ông giờ đã qua ngưỡng tuổi 40 hay không, nhưng cuộc sống hiện tại của “đại gia” này thật ảm đạm. Hai đứa con nhỏ hết ốm lại đau, tiền thuốc thang, bệnh viện khắp nơi, mỗi lần như thế anh lại chạy chật vật xoay tiền toát mồ hôi hột. Không còn cảnh vung tiền như thuở nào, mà thay vào đó, người dân thấy Phong liên tục “thay đời” từ chiếc xe SH xuống xe máy cà tàng. Hàng ngày, trời chưa tan sương, dân làng đã thấy Phong chạy chiếc xe cũ kỹ lên thị trấn làm thuê, làm phụ hồ kiếm tiền. Mỗi ngày anh ta kiếm được chút đỉnh, tích cóp một tháng cũng thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Đấy là Phong tính thế, chứ thật ra, số tiền mà anh mang về nhà luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Bởi như lời anh nói, cứ sau mỗi lần đi làm về, ít nhất mình cũng phải đút túi vài tờ vé số để dò.
Ngồi khép nép nơi bậc thềm, vợ Phong còn rất trẻ, tay liên tục bận rộn với đứa con nhỏ miệng í éo khóc, chẳng bận tâm đến những lời nói của chồng. Thỉnh thoảng, khi thấy chồng nhắc đến vé số, nhắc đến tiền tỉ thì mặt chị lại xịu xuống nhìn đầy đăm chiêu.
Đại gia liên tục “hạ đời” Từ chỗ nằm trên cả đống tiền, tiêu pha không tiếc tay, đến nay cuộc sống của Phong theo nhiều người cho biết thì rất thảm hại. Phong thiếu thốn đủ bề, làm không đủ nuôi gia đình. Ngay như chiếc xe máy cũng vay mượn, gom góp, mãi mới đủ để mua làm phương tiện đi lại. “Đời nó thê thảm lắm, “đại gia” sứt gì đâu mà cứ liên tục “hạ đời” không bằng mấy anh thợ hồ trong làng”, bà M. thở dài kể về bi kịch của chàng trai đại gia một thời. |