“Đại gia” trúng 42 vé độc đắc vỡ nợ, đi biệt tích

Nhiều năm đã trôi qua, những người dân miền sông nước Bến Lức (Long An) vẫn không thôi kể về người nông dân nghèo Thạch Cảnh Tâm (SN 1964). Anh Tâm nghèo đến mức tiền cưới vợ chẳng có nhưng bỗng nhiên thành… tỷ phú vì trúng một lúc 42 tờ vé số độc đắc.

Trải qua cuộc sống khổ cực, bỗng chốc phất lên như diều gặp gió, Tâm lại không biết trân trọng đồng tiền, đòi học làm đại gia ăn chơi trác táng… Để rồi, khi “tan giấc mơ trưa”, Tâm phải ôm số nợ lên tới hơn 17 tỷ đồng. Số nợ lớn khiến anh không dám về quê hương, phải sống chui lủi qua ngày đoạn tháng.

Tiền thưởng đếm… 2 ngày mới hết

Hoàn cảnh của Tâm trước khi trúng số, những người dân thị trấn Bến Lức khá rõ. Tâm sinh ra ở Long Xuyên trong một gia đình nghèo khó đông anh em. Tâm làm lơ xe khi 15 tuổi, ngược xuôi theo tuyến từ Miền Tây về Sài Gòn hoa lệ. Trong một lần đi qua Long An, gã phải lòng cô gái tên Nguyễn Thị Út (SN 1964) bán hàng nước ở ngã tư Bình Nhựt (Bến Lức, Long An). Tình cảm đôi trai gái ngày càng nảy nở, hai người thề bồi, hẹn ước trăm năm.

Biết con gái muốn đi làm dâu xứ lạ, cha mẹ Út kịch liệt phản đối với lý do nhà Tâm nghèo lại quá xa. Nhưng vì tình yêu, họ đã vượt qua mọi rào cản để đến với nhau. Cha mẹ Út giận con gái không biết nghe lời khuyên, họ quyết định phó mặc Út cho số phận. Không có sự hỗ trợ của nhà gái, gia đình Tâm lại không lo được tiền tổ chức đám cưới, Tâm và Út lặng lẽ đăng ký kết hôn, lấy nhau trong nước mắt hạnh phúc và tủi phận. Lúc ấy, Tâm càng cháy bỏng mơ ước đời mình đổi vận.

Cưới xong, hai vợ chồng trẻ mượn tạm ngôi nhà tạm bợ ở ấp 1/3, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ để tá túc qua ngày. Không muốn xa vợ, Tâm bỏ nghề lơ xe để đi làm cửu vạn dưới bến sông, còn chị Út vẫn ôm lấy mặt đường bán nước và vài thứ quà cho dòng người hối hả ngược xuôi. Cuộc sống của họ thêm cơ cực khi đứa con ra đời. Vì vợ con, gã bỏ làm cửu vạn và chuyển sang buôn bán xe. Nói vậy cho oai, chứ thực ra, Tâm làm “cò” bán xe, gã tìm người muốn bán và người muốn mua rồi “mai mối” để ăn tiền chênh lệch. Nhưng giỏi lắm, cả tháng Tâm chỉ “tìm khách” được 5 đến 6 chiếc xe, số tiền kiếm được chẳng đáng là bao nên gia đình gã vẫn trong cảnh thiếu trước hụt sau.

“Đại gia” trúng 42 vé độc đắc vỡ nợ, đi biệt tích - 1

Ngôi nhà năm xưa vợ con Tâm “cà phê” tá túc.

Một lần Tâm về nhà chứng kiến cảnh đứa con khát sữa, khóc ngặt nghẽo trên tay mẹ, gã thấy cay nơi sống mũi. Không cầm được lòng mình, Tâm vội bước ra ngoài, giấu đi những giọt nước mắt. Gã bần thần, chân đi vô thức ra bến sông. Lúc ấy đã gần 4 giờ chiều, có một ông lão bị dị tật ở tay đang bán vé số.

Nhìn thấy Tâm, ông lão ôn tồn chào gã rồi đưa tập vé số mời mua giúp: “Hôm nay tôi lấy 100 vé, sắp đến giờ quay số mà vẫn còn 42 vé. Hôm qua đã ế, hôm nay ế tiếp thì hai vợ chồng già chúng tôi chỉ còn nước húp cháo”. Tâm cũng không lạ gì ông lão, hai vợ chồng ông bám bến sống mưu sinh trước khi Tâm về đất này nhiều năm trước. Họ không có con cái và bà vợ phải nằm liệt giường vì bị tai biến. Về những tấm vé số, Tâm chưa từng mua dù luôn khao khát cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng cảm với hoàn cảnh của ông lão, gã rút ví lấy 84 nghìn mua nốt số vé còn lại. Lúc ấy, Tâm nghĩ đơn giản, giúp người thì người giúp lại, gã đâu ngờ mình có duyên trúng độc đắc.

Tối hôm ấy, Tâm đang ăn cơm thì ông cụ bán vé số tìm đến, giọng hoan hỉ: “Anh trúng độc đắc rồi, cả 42 tờ”. Tâm không tin, tưởng ông lão nói đùa nên run run so lại từng con số. Khi đã chắc chắn. Tâm mới sung sướng gào lên: “Trúng thật, tôi trúng rồi, đổi đời rồi”. Chị Út đang ẵm con cũng vui tới mức nhòe nước mắt.

Đấy là vào năm 1991, tổng số tiền thưởng mà Tâm trúng giải là 2,2 tỷ đồng. Chuyện người nông dân nghèo Thạch Cảnh Tâm bỗng biến thành đại gia giống như cổ tích giữa đời thường. Với số tiền 2,2 tỷ đồng vào thời điểm ấy, nhiều người khẳng định Tâm là người giàu nhất huyện Tân Trụ. Chuyện Tâm đi lĩnh giải cũng ly kỳ. Khi biết mình trúng độc đắc, gã mất ăn mất ngủ vì loay hoay mãi cũng không nghĩ ra cách để mang số tiền quá lớn về nhà, và cất giữ nó như thế nào cho kín đáo, an toàn.

Mấy đêm liền, người ta thấy Tâm thức trắng đêm, ngồi trước hiên nhà với vẻ mặt suy tư, đến nỗi sau khi lĩnh tiền thưởng gã phải nhập viện vì suy nhược cơ thể. Có người hàng xóm bày cho Tâm cách thuê xe ô tô rồi nhờ công an xã và công an huyện giúp áp tải mấy bao tiền về nhà. 42 tờ độc đắc mà Tâm mua là của Đài Sóc Trăng. Lúc đi lĩnh giải, Tâm đã thuê 3 người tin tưởng nhất cùng mình lên ngân hàng đếm tiền thưởng. Số tiền nhiều tới nỗi, sau gần 2 ngày, 4 người mới đếm xong.

“Xuống chó” tìm về với vợ

Trúng số độc đắc là lộc trời cho, ai biết tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng mục đích thì sẽ có một cuộc sống vương giả. Nhưng Tâm thì khác, gã quyết định thay đổi đời mình cho xứng tầm với số tài sản đang có. Tâm bỏ quê lên phố học làm đại gia và làm ăn lớn. Hỗn danh mà người đời đặt cho Tâm là Tâm “cà phê” cũng là vì cách làm chẳng giống ai của gã. Đầu tiên, Tâm mở một quán cà phê rộng tới 5000 m2, ngay phía Nam cầu Bến Lức (thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An), và chỉ tuyển nữ nhân viên chân dài. Một thời gian sau, gã tuyên bố thành lập “công ty vận tải” khi mua 10 chiếc xà lan để chở khách, 3 chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng và 2 chiếc máy xúc cube. Gã quản lý “công ty” của mình bằng kinh nghiệm học được từ ngày còn là anh lơ xe nên việc kinh doanh liên tục bị thua lỗ.

“Đại gia” trúng 42 vé độc đắc vỡ nợ, đi biệt tích - 2

Ông Phong tâm sự về người em rể một thời đại gia giờ phải xa phương trốn nợ.

Lúc cơ hàn, tình cảm hai vợ chồng gã luôn mặn nồng. Tâm là người cha, người chồng yêu vợ thương con, có trách nhiệm với gia đình. Nhưng khi có tiền, Tâm sinh thói trăng hoa. Mới đầu, Tâm còn lén lút “mèo mỡ” bên ngoài, nhưng sau này gã ngang nhiên đưa gái về nhà, quên hẳn tình nghĩa vợ chồng bao năm. Chị Út giận hờn, mặn ngọt khuyên gã, nhưng tất cả việc làm của chị đều không lay chuyển được Tâm. Số tiền gã không phải đổ mồ hôi mà có tiêu tan trong phút chốc. Không những trắng tay, gã còn ôm thêm khoản nợ 17 tỷ đồng. Những em út bên cạnh cũng bỏ gã mà đi. Đến lúc mạt vận, Tâm lại tìm về với người vợ và đứa con thơ dại nơi căn nhà tạm bợ xưa cũ.

Thuê cả vệ sĩ bảo vệ nhà

Tâm vốn nghĩ đời mình có mấy kiếp cũng không khá lên được nhưng gã đã “lột xác” trở thành tỷ phú. Tâm quyết định tổ chức lại đám cưới với vợ và mời cả xã đến chung vui cho bõ những ngày cơ cực. Mọi người đến uống rượu, chúc mừng tung hô tán thưởng làm Tâm đắc ý lắm. Cao hứng, Tâm tuyên bố trước đám đông rằng, mình sẽ mở công ty kinh doanh và làm ăn lớn, sẽ cho tiền đẻ ra tiền.

Tâm một chữ cũng không biết, chẳng biết gã định làm ăn lớn cỡ nào nhưng mọi người cũng vỗ tay rào rào. Lúc lấy được tiền trúng độc đắc về nhà, Tâm còn thuê cả vệ sĩ bảo vệ xung quanh ngôi nhà tạm bợ mà vợ chồng gã ở nhờ bấy lâu nay.

Khi Tâm bán hết tài sản cũng không đủ trả nợ, ngày nào cũng có mấy chục người mặt mũi bặm trợn như dân đâm thuê chém mướn đến nhà tìm gã. Vì sợ Tâm trốn mất, những chủ nợ còn cho người trục xung quanh và liên tục thúc ép vị đại gia một thời phải kiếm tiền để trả cho họ.

Một sáng, những người hàng xóm thức dậy, thấy khung cảnh vắng vẻ tĩnh lặng khác thường, không còn bóng dáng của những người đến đòi nợ hôm trước. Nhà của Tâm cửa khóa kín, gã cùng vợ con đi đâu không ai biết. Sau đêm ấy, người ta không còn gặp Tâm, cũng chẳng ai biết số phận của Tâm “cà phê” với vợ con thế nào. Nhiều giả thiết được đặt ra, Tâm có thể đã bị giết hoặc đã trốn thoát.

Người biết rõ nhất về “đại gia” chân đất này là ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ ấp 1, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An), anh vợ của Tâm “cà phê”. Theo ông Phong cho biết, sau khi trúng độc đắc và vỡ nợ, Tâm gửi con cái về quê cho ông bà nội chăm sóc.

Tâm sự về người em rể, ông Phong bảo, Tâm từng đối xử bạc tình với vợ nhưng Út vẫn một lòng với chồng: “Chuyện đời khó ai biết trước, con người ta “lên voi xuống chó” mấy hồi. 10 năm nay, tôi cũng không gặp lại vợ chồng Tâm, ở nhà có gì muốn thông báo thì liên lạc qua điện thoại. Có lần, chú ấy bảo thuê phòng trọ bên quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), lúc lại bảo đang ở bên KCN Bình Tân. Tôi chỉ biết Tâm làm bảo vệ, còn vợ làm công nhân, lương tháng hai vợ chồng cũng không đủ trang trải cho cuộc sống thường nhật. Từ ngày bỏ xứ đi tới giờ, Tâm và vợ chưa về quê lần nào. Số tiền Tâm vỡ nợ ngày ấy đến giờ lãi mẹ đẻ lãi con. Như hoàn cảnh hiện tại của chú ấy thì đến hết đời cũng không có cơ hội xóa nợ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nguyễn (Đời sống & Hôn nhân)
Hậu vận của những người bỗng dưng thành tỷ phú Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN