Đại gia đình 4 đời bám biển Hoàng Sa

Với gia đình ông Trương Văn Trọng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), ngư trường Hoàng Sa đã là máu thịt. Ngư trường ấy không chỉ giúp ông Trọng nối nghiệp cha truyền, nuôi 9 đứa con khôn lớn và “tiếp lửa” cho con sắm đội tàu gia đình vươn khơi đánh bắt, giữ vững ngư trường truyền thống và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nối nghiệp cha “cưỡi sóng” Hoàng Sa

Nhà ông Trương Văn Trọng tọa lạc trong con hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) những ngày đầu tháng 6 đông vui hơn khi những đứa con của ông vừa trở về sau chuyến vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ông Trọng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề biển. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Trọng đã theo cha tập tành đi biển. Năm 15 tuổi, Trọng đã nhận cú sốc lớn khi cha và chú bỏ xác giữa biển khơi bởi những con sóng dữ trong chuyến giong buồm ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. “Hồi đó, tàu nhỏ và chưa có động cơ, máy móc hiện đại như bây giờ, nên bão ập đến mà không hề biết” - ông Trọng nhớ lại.

Sau những năm theo bạn tàu bám biển Hoàng Sa, ông Trọng vay mượn thêm tiền đóng tàu 60CV. Những chuyến ra ngư trường truyền thống “thuận buồm xuôi gió” trở về đã giúp gia đình ông dần trả hết nợ, nhưng rồi tai họa một lần nữa giáng xuống. “Hôm đó tui đang đánh bắt thì thấy chiếc tàu nhỏ chạy tới áp mạn rồi những người trên tàu nhảy lên hung hãn xua bọn tui xuống chiếc tàu nhỏ để “nhường” chiếc tàu của tui lớn hơn cho chúng, có lẽ là bọn vượt biên”, ông Trọng nhớ lại: “Không ít lần đối mặt với khó khăn, nhưng tui chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, bỏ ngư trường Hoàng Sa truyền thống”.

Đại gia đình 4 đời bám biển Hoàng Sa - 1

Ngư dân Trương Văn Hay (con ông Trương Văn Trọng) trên chiếc tàu cá bị tàu Trung Quốc tông hư hỏng khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa

Biển khơi đã lấy đi không ít nước mắt, nhưng sau 40 năm nối nghiệp cha “cưỡi sóng” Hoàng Sa, gia sản ông Trọng để lại cho 9 đứa con là hai chiếc tàu đánh cá và những kinh nghiệm quý giá của nghề biển. Niềm vui càng được nhân lên khi cả 9 đứa con của ông (8 trai, 1 gái) đã yên bề gia thất và lần lượt sắm tàu công suất lớn vươn khơi. “Tui không còn đủ sức, nhưng mấy đứa con tui, cháu tui nối nghiệp vươn khơi bám biển. Bây giờ, tui chỉ có thể phụ giúp con cháu sửa lại ngư lưới cụ sau mỗi chuyến đi biển để vơi đi nỗi nhớ biển, nhớ Hoàng Sa”.

Không thể bỏ ngư trường truyền thống

Vừa trở về sau chuyến bám biển ngư trường Hoàng Sa, anh Trương Văn Hay - người con thứ tư của ông Trọng cho biết, hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa anh nhiều lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam thì các tàu Trung Quốc ngày càng hung hãn. Nhưng sóng gió biển Đông không thể làm ngư dân nản lòng bám ngư trường truyền thống. Trong chuyến đi biển vừa qua, chiếc tàu cá ĐNa 90235 TS do anh Hay làm thuyền trưởng và cũng là chủ tàu bị tàu Trung Quốc số hiệu 70715 nhiều lần rượt đuổi, đâm hư hỏng, phải sửa hết khoảng 150 triệu đồng. Từ ngày 15 - 20/5, tàu ĐNa 90235 TS bị tàu Trung Quốc số hiệu 70715 nhiều lần rượt đuổi, đâm hỏng phần lái, sập ca bin sau, thậm chí còn dùng  “vật lạ” như mũi phá băng đâm một lỗ vào tàu của anh Hay rồi bỏ đi. Anh Hay và các ngư dân trên tàu vừa bơm nước ra, vừa lặn xuống bít tạm lỗ thủng, trở về bờ sửa chữa để sớm trở lại Hoàng Sa.

“Cha luôn dặn anh em tui rằng, cha nuôi các con khôn lớn là nhờ ngư trường Hoàng Sa. Các con phải gắng bám giữ ngư trường Hoàng Sa mà đánh bắt, làm giàu. Mặc dù sóng gió tai ương có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhưng anh em tui quyết giữ lấy nghề biển của gia đình, hỗ trợ nhau đóng tàu lớn hơn bám ngư trường truyền thống và sau thế hệ chúng tôi cũng đã có những đứa con, cháu trong gia đình nối nghiệp” - anh Hay tự hào nói.

Anh Trương Văn Kinh - người con thứ 8 của ông Trọng chia sẻ: “Anh em tui dựng được nhà, nuôi con ăn học cũng nhờ ngư trường Hoàng Sa. Hoàng Sa là biển của mình nên mình cứ đánh bắt, có khó khăn đến đâu anh em tui cũng không bỏ ngư trường truyền thống”.

 

Đại gia đình 4 đời bám biển Hoàng Sa - 2

Ông Trương Văn Trọng phụ giúp sửa lại ngư cụ của các con sau mỗi chuyến đi biển về

Ưu tiên những gia đình có truyền thống bám biển

Theo anh Trương Văn Hay, mặc dù đội tàu của anh em trong gia đình được cải tạo, đóng mới với công suất lớn hơn nhiều trước đây, nhưng vẫn là tàu vỏ gỗ nên gặp không ít khó khăn khi trên biển Đông ngày càng xuất hiện những cơn bão lớn và tàu vỏ sắt của Trung Quốc ngày càng hung hãn rượt đuổi, tấn công.

Vì vậy, khi nghe Chính phủ có chủ trương cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn, đặc biệt là tàu vỏ sắt thì  anh Hay và nhiều ngư dân hồ hởi: “Nhà nước cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt với lãi suất thấp tui làm liền. Tàu vỏ sắt vốn đầu tư lớn, nhưng đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, kể cả hệ thống cấp đông giúp ngư dân bám biển dài ngày và không sợ nguy hiểm khi đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống”.

Tuy nhiên, các anh em trong đại gia đình ngư dân Trương Văn Trọng đều cho rằng, để triển khai hiệu quả gói ưu đãi, Nhà nước cần rà soát kỹ và phải ưu tiên cho những gia đình ngư dân yêu biển, có truyền thống bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa…Vì nếu giao cho những người không biết làm biển, không yêu biển thì sẽ không đem lại hiệu quả như một số dự án hỗ trợ ngư dân những năm 1998 - 2000.  

Bên cạnh chương trình hỗ trợ lãi suất đóng phương tiện đánh bắt xa bờ, cần phải có những lớp đào tạo, trang bị kinh nghiệm đánh bắt bằng tàu cá hiện đại cho ngư dân; Ngăn chặn tình trạng tư thương ép giá… nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, bảo vệ ngư trường truyền thống và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Ngư dân Trương Văn Hay

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Lợi (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN