Dịch virus Corona: Tại sao Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp?
Dịch bệnh do virus Corona hiện đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ.
Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí cụ thể
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP), chiều tối 31/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra đã họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh này.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, họp vào chiều tối 31/1. (Ảnh: Trần Mạnh/VGP)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra chủ trì cuộc họp. Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh như: Bảo đảm khẩu trang; kiểm soát cửa khẩu; tổ chức lễ hội; quản lý trường học; có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay không?
Về việc ngày 31/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, song đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa công bố. Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh,…
“Thực tế từ trước đến nay, WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với 4 loại dịch bệnh, nhưng Việt Nam chưa lần nào công bố. Kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H5N1 ở Việt Nam lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp”, GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, đồng thời nhận định: Dịch bệnh nCoV hiện đang diễn biến rất phức tạp.
Ông Long cho biết thêm: “Chúng ta đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm”.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Ngoại giao chia sẻ thêm thông tin: Hiện nay Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra. Song hiện tại nước bạn cũng chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp.
Các vấn đề liên quan: Khẩu trang y tế, hoạt động dạy và học, tuyên truyền,…
Về vấn đề bảo đảm khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế (khẩu trang N95, khẩu trang 3 lớp) nên năng lực sản xuất của chúng ta là không có vấn đề. Tuy nhiên do phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu kháng khuẩn, cho nên bên cạnh giải pháp đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá khẩu trang y tế; chỉ xuất khẩu khẩu trang y tế khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép,…
Theo Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế, người dân nên hình thành thói quen sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng không chỉ để phòng chống dịch mà còn để giữ gìn sức khỏe. Trên cơ sở khuyến cáo của WHO, các chuyên gia cho rằng, người dân chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế chuyên dụng ở những nơi có nguồn lây nhiễm cao, ví dụ như những người tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp với người bệnh, người nghi mắc bệnh…; còn lại có thể sử dụng các loại khẩu trang thông thường, bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Về tổ chức lễ hội, các ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện các biện pháp giảm quy mô hoạt động của các lễ hội; giảm các hoạt động, rút ngắn thời gian tổ chức lễ hội xuống mức tối thiểu; chỉ đạo cơ quan y tế địa phương khử trùng, vệ sinh, tiêu độc tại nơi diễn ra lễ hội,…
Về vấn đề học sinh nghỉ học, các ý kiến cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh để kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cho học sinh nghỉ học trong trường hợp dịch lan rộng; Sở Y tế có trách nhiệm đánh giá tình hình dịch để có khuyến nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo tỉnh.
Các ý kiến cũng đề nghị lực lượng chức năng tại khu vực biên giới, cửa khẩu tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ công dân các nước đến Việt Nam từ vùng có dịch và công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước theo phương châm 4 tại chỗ. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông cho người dân nắm được các giải pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh các kênh thông tin truyền thống, cần sử dụng cả mạng xã hội, tin nhắn,… để tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác, định hướng dư luận.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác về phòng, chống dịch bệnh Corona Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 31/1/2020 thành lập Tổ công tác về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác. Các thành viên Tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tổ công tác có nhiệm vụ cập nhật thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch bệnh nCoV), hằng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án phòng, chống dịch bệnh nCoV. Các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu công tác. Tổ trưởng Tổ công tác sử dụng đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Chính phủ giúp việc cho Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được giao. |
Ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế
Ông Nguyễn Thanh Long Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 171/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ y học. Từ năm 1995 đến năm 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005 là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008, ông là Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS. Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông có 7 năm đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế trước khi được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp WHO tại Việt Nam đã lý giải vì sao WHO ban bố tình trạng khẩn cấp...