Dai dẳng nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng đến hôm nay, vẫn có những bậc làm cha, làm mẹ vô tình bị phơi nhiễm chất độc da cam mà sinh ra những người con dị dạng. Nỗi đau ấy đến bao giờ mới nguôi ngoai!

Nhẹ nhàng đỡ con ngồi dậy, rồi chậm rãi cho con uống nước, "Con ngoan, con uống nước nào" - người cha đã "độc thoại" với cô con gái nhiễm chất độc da cam bị bại não như thế suốt 30 năm qua. Ông là Nguyễn Hữu Diên (SN 1952, ở quận 5, TP HCM), từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn những năm 1970. Như nhiều thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong để góp phần làm hồi sinh những "vùng đất chết" sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đau lòng nhìn con khổ

Ông Diên kể khi đặt chân đến Chiến khu D ở Đông Nam Bộ, ông thấy cây cối tự nhiên ngấm cháy. Xung quanh có nhiều thùng đựng nước màu vàng. "Hồi đó, không ai biết đó là hiện tượng gì, không biết do đâu. Không ngờ, tôi đã bị nhiễm chất độc này nhưng đau đớn hơn, đứa con gái đầu lòng của tôi cũng phải gánh chịu nỗi đau này" - ông Diên nghẹn ngào. Kể lại giây phút con gái vừa lọt lòng, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, vợ ông, đau đớn: "Nhìn đứa con gái vừa sinh ra với hình hài không bình thường, tôi như chết ngất. Lúc đó tôi nghĩ chắc kiếp trước mình làm chuyện ác nên bây giờ con mình bị quả báo". Tiếp sau đó là chuỗi ngày tháng bà Phượng sống trong đau khổ và luôn tự dằn vặt mình. Mãi sau này, biết con mình bị nhiễm chất độc da cam, bà mới nguôi ngoai. "Hồi đó, có người khuyên vợ chồng tôi nên bán nội tạng con nhưng làm cha, làm mẹ sao lại bán khúc ruột của mình dù nó có làm mình đau" - ông Diên nói trong nước mắt.

Dai dẳng nỗi đau da cam - 1

Anh Lê Văn Lợi liệt toàn thân do bị truyền nhiễm chất độc da cam từ người cha Lê Thanh Cần

Tham gia chiến đấu khắp miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh không những cướp đi vĩnh viễn đôi mắt của ông Lê Thanh Cần (SN 1942, ở huyện Củ Chi, TP HCM) mà còn gieo vào ông nỗi đau dai dẳng do bị nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau tiếp tục nỗi đau khi người con trai của ông là anh Lê Văn Lợi bị liệt toàn thân do truyền nhiễm chất độc da cam từ cha. Nhìn đứa con 35 tuổi, thân hình teo tóp, nằm bất động, đôi mắt lúc nào cũng đờ đẫn, ngây dại, ông Cần rưng rưng: "Mỗi khi nghĩ đến tương lai của con là tôi không cầm được nước mắt. Mình khổ thì không sao nhưng do mình mà con khổ thì đau lòng lắm". Hiện tại, gia đình ông Cần sống bằng thu nhập ít ỏi từ nghề đan lát và một ít hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức xã hội.

Dai dẳng nỗi đau da cam - 2

Ông Nguyễn Hữu Diên chăm sóc con gái bị bại não do nhiễm chất độc da cam

Là người khổ nhất trong những người đau khổ

Dùng chiếc dây nón lá che gần hết khuôn mặt dị dạng, chị Võ Thị Mỹ Duyên (quận 6, TP HCM) mới dám bước ra đường bán vé số. Năm nay 38 tuổi nhưng cơ thể chị như một đứa trẻ học lớp 5. Mẹ chị Duyên kể: Trước đây, ba cháu đi bộ đội và bị nhiễm chất độc da cam lúc nào không hay. Lúc mới sinh ra, cháu bình thường như những đứa trẻ khác nhưng càng lớn, cháu càng chậm phát triển. Rồi đến năm lên 7, mặt cháu đột nhiên bị biến dạng. "Nhìn con gái đã gần 40 tuổi mà vẫn thui thủi đi về một mình, người làm mẹ ai mà không xót. Do mặc cảm, đi bán vé số xong, cháu về nhà, không đi đâu chơi. Thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt cháu hướng về những phụ nữ trong xóm, tôi chạnh lòng biết bao" - mẹ chị Duyên tâm sự.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc quản lý Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP HCM, tâm sự nạn nhân chất độc da cam đang phải chịu đựng nỗi đau tột cùng về thể xác và tinh thần. Họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, những người đau khổ nhất trong số những người đau khổ. Tuy mang trong người nỗi đau bệnh tật nhưng với truyền thống của người lính, họ luôn sống lạc quan, vượt khó để vươn lên trong cuộc sống. Trong 6 năm qua, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP HCM đã huy động được nhiều nguồn lực chăm lo cho nạn nhân da cam bằng nhiều hình thức như trợ cấp thường xuyên, trợ vốn sản xuất, khám sức khỏe, trao tặng nhà tình thương, trao sổ tiết kiệm, tặng học bổng Chữ thập đỏ, dạy nghề... để phần nào xoa dịu nỗi đau.

Hướng đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Nhân kỷ niệm 52 năm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8/1961-10/8/2013), sáng 9/8, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM đã diễn ra triển lãm ảnh chủ đề "Hành trình Cam" với những hình ảnh đời thường, sự mất mát và nghị lực vượt lên của nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Sáng 10/8, 1.500 người đi bộ đồng hành vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, Đài Truyền hình TP HCM thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp Ân tình làng Cam nhằm kêu gọi cá nhân, tổ chức góp sức xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, điều trị và dạy nghề cho nạn nhân, con em nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hiện TP HCM có khoảng 20.000 nạn nhân bị phơi nhiễm và nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó người bị dị tật, dị dạng, mất khả năng tự lực sinh hoạt khoảng 5.000 người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Anh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN