Đại công trường trước chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau 5 năm thi công?
Mặt bằng trước chợ Bến Thành đang được trả lại hình dạng vốn có sau 5 năm biến thành đại công trường xây dựng ga metro số 1.
Vòng xoay Quách Thị Trang nằm trước chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) được xây dựng năm 1912. Giữa vòng xoay có tượng đài tướng Trần Nguyên Hãn và tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang được di dời từ năm 2014 để chuẩn bị thi công nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Trong ảnh, vòng xoay thời điểm năm 2014.
Năm 2017, vòng xoay, trạm xe buýt và đường trước chợ được rào chắn để thi công đồng bộ với khu vực Công viên 23/9 của nhà ga Bến Thành, thuộc gói thầu 1A (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Bến Thành). Trong ảnh, đại công trường ga metro trước chợ Bến Thành thời điểm nhà thầu thi công các tầng dưới vào năm 2018 và công trình hở mặt bằng với dày đặc khung thép chống đỡ năm 2020.
Toàn cảnh nhà ga Bến Thành nhìn từ Công viên 23/9 năm 2020 ngổn ngang công trường và năm 2021 - thời điểm đang được đơn vị thi công san lấp, tái lập mặt bằng sau 5 năm rào chắn xây dựng.
Gần 2 tháng trước, rào chắn thi công nhà ga khu vực trước chợ Bến Thành được tháo dỡ. Mặt tiền của khu chợ “lộ diện”, khu vực vòng xoay thay đổi hoàn toàn, không gian trở nên thông thoáng như vốn có sau nhiều năm bị che lấp bởi những dãy rào chắn cao đến 3m.
Trước đó, đường Lê Lợi và khu vực trước chợ Bến Thành dài hơn 500m gần 6 năm bị “lô cốt” án ngữ để thi công tuyến metro số 1 ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Hiện tại, một phần mặt bằng trước ngôi chợ hơn trăm tuổi đang được trả lại hình dạng, dự kiến bàn giao cuối tháng 10.
Tại khu vực dọc đường Trần Hưng Đạo, hệ thống đèn chiếu sáng, các đảo giao thông, làn đường, trạm xăng… từng tồn tại nơi đây đang được thiết lập lại. 5 năm trước, bến xe buýt Bến Thành được dời về đường Hàm Nghi, cách đó khoảng 300m.
Khu vực 2 cây xăng và bến xe buýt vận hành thời điểm năm 2017 hiện tại đã tái lập đúng vị trí ban đầu.
Công trường sau khi tháo dỡ tôn được chắn tạm bằng rào chắn gỗ đảm bảo hoạt động, di chuyển của công nhân, máy móc và phân luồng xe cộ lưu thông.
Ngày 20/10, hàng chục công nhân tất bật thi công những hạng mục cuối tái lập mặt bằng. Các công nhân chia thành 3 ca làm việc từ sáng đến tối.
Xe lu, xe ủi liên tục hoạt động lu nền chuẩn bị trải thảm nhựa. Thời gian sắp tới nhà thầu tiếp tục thi công nhiều hạng mục như lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, kẻ vạch đường…
Tại góc đường Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, một phần mặt bằng đã được tái tạo mặt đường trước đó. Công nhân và xe cẩu tháo dỡ đoạn rào chắn nơi đây. Khi rào chắn khu vực này được tháo dỡ, người dân có thể di chuyển thẳng từ đường Phạm Ngũ Lão ra chợ Bến Thành.
Khu vực giao đường Hàm Nghi - Huỳnh Thúc Kháng, nơi thiết kế lối lên xuống ga Bến Thành vẫn đang được rào chắn để tiếp tục thi công.
Một phần mặt bằng ga ngầm trước chợ Bến Thành tiếp giáp với Công viên 23/9 đang tiếp tục rào chắn thi công. Tại đây có hạng mục điểm nhấn giếng ánh sáng ga Bến Thành với mái che được thiết kế hoa văn rất bắt mắt nhìn từ trên cao.
Nhà ga trung tâm Bến Thành cùng với ga Nhà hát TP và ga Ba Son là các ga ngầm của tuyến metro số 1. Ga ngầm có chiều dài 236m, rộng 60m, sâu 32m, quy mô 4 tầng. Nhà ga còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác như tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước). Tuyến metro số 1 dài gần 20km từ ga Bến Thành đến depot Long Bình (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hiện đã đạt 92,53% khối lượng.
Nguồn: [Link nguồn]