Đại biểu Quốc hội: Xuất hiện tình trạng mua bán nam giới

Sự kiện: Tin ngắn

Sáng 24-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) cho biết theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2018-2022), cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người. Nếu như trong giai đoạn trước đây, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước.

Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Theo đại biểu, mua bán người được Liên Hiệp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng Zalo, Facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng việc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.

Về nội dung cụ thể, theo đại biểu Trần Khánh Thu, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hàng năm, đặc biệt đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi, tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát.

"Mua bán thai nhi trong bụng mẹ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục nhưng chưa được quy định trong pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cần bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự trong việc mua bán thai nhi" - nữ đại biểu đoàn Thái Bình nêu rõ.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, đối với quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt hỗ trợ nạn nhân mua bán người dành cho nam giới và phụ nữ, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện đón tiếp nạn nhân bị mua bán không có khu vực trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt, mà lồng ghép vào ở chung với các nhóm đối tượng khác. Do đó lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp và thân thiện, thiếu quy định về quản lý các trường hợp và quy trình hỗ trợ nạn nhân đặc thù; đặc biệt thiếu hẳn quy định đón tiếp trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ bị mua bán để chờ xác minh, xác định nạn nhân.

Thực tế cho thấy còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm, còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm hơn.

Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ…

Đóng góp ý kiến đối với vấn đề phòng ngừa mua bán người, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội; Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội) cho rằng Chương 2 của dự án Luật quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhưng Điều 7 nội dung dự án Luật quy định còn chung chung. Tại Khoản 2 quy định về nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhưng không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể ra sao.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Theo một báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19-20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy việc tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ, người dân tộc thiểu số ở các vùng cao, biên giới.

Qua báo cáo thống kê thì hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất trong dự thảo luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, các em có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Góp ý liên quan đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, trong đó liên quan đến Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người..., trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để nâng hiệu quả phòng, chống mua bán người trong tội phạm này.

Đại biểu nhận thấy thời gian qua, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, trong đó tội mua, bán người cũng được sửa đổi theo hướng phạm vi xử lý hình sự với người phạm tội mua, bán người ngày càng thu hẹp.

Việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mua, bán người trước đây chỉ cần chứng minh có hành vi mua, bán người, nhưng sau đó thêm mục đích, thêm thủ đoạn. Điều này sẽ đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng một nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Vì chứng minh hành vi phạm tội đã khó, chứng minh thủ đoạn phạm tội càng khó và chứng minh mục đích phạm tội lại càng khó hơn nữa. Vì vậy, việc đưa ra xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do đó, muốn phòng chống mua, bán người ngày càng hiệu quả, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng cần phải tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội rộng hơn.

 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), trong đó thống nhất không đổi tên Tòa án mà tiếp tục giữ nguyên quy định TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện như Luật hiện hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn - Huy Thanh ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN