Đại biểu Quốc hội tranh luận về "niềm tin cho nền tư pháp Việt Nam"
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị cán bộ nào có tính toán xấu, đang lên kế hoạch tham nhũng thì cần dừng lại ngay!
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre (bìa trái), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận (bìa phải) Không thể chấp nhận được trong thời Covid-19 mà vẫn tham nhũng
Sáng nay (15/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Các đại biểu tiếp tục tán thành về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện cho biết, trong thời gian "tâm" dịch Covid-19 ông đã vào tận Bệnh viện Bạch Mai để chia sẻ với đội ngũ y, bác sĩ.
Ông trình bày, trong tâm dịch ông vào tận Bạch Mai để chia sẻ với các bác sĩ, đã đi một số tỉnh kiểm tra tình hình và chỉ thấy có 1 chốt kiểm soát dịch có biểu hiện thiếu nghiêm túc, có 5 cán bộ ở đó ngồi uống nước chè và đánh bạc. Ông đã nhắc nhở trường hợp này.
“Thành công vang dội rồi, giờ cần nhất là quay lại để tạo sức bật, phục hồi cho nền kinh tế. Nên cần bổ sung vào kỳ họp này một Nghị quyết riêng hoặc bổ sung nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp. Cần tìm mọi cách nới lỏng dây buộc cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp, nền kinh tế”, đại biểu đề cập.
Ông cũng đề nghị đình hoãn tất cả những công trình không cần thiết, không có giá trị kinh tế, gây tốn kém tiền của, ngân sách để tập trung cho những dự án cấp bách thúc đẩy tăng trưởng.
Vấn đề khác, đại biểu đề cập, trong tình hình khó khăn hiện tại, càng cần chú trọng vấn đề giám sát, phòng chống tham nhũng.
“Bài học về phòng chống tham nhũng thể hiện rõ qua vụ tiêu cực mua sắm thiết bị y tế chống dịch vừa qua. Trong thời Covid-19 mà còn tham nhũng thì không người dân nào chịu đựng được. Đề nghị cán bộ nào có tính toán xấu, đang lên kế hoạch tham nhũng thì cần dừng lại ngay!”, đại biểu Nhưỡng nói.
Chưa từng bao giờ thấy niềm tin cho nền tư pháp Việt Nam thấp như lúc này?
Trình bày quan tâm khác, đại biểu đề cập vấn đề cải cách tư pháp. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, những ngày qua ông nhận được nhiều tin nhắn của cử tri, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu nói “chưa từng bao giờ thấy niềm tin cho nền tư pháp Việt Nam thấp như lúc này”.
Dẫn chiếu đến vụ án Hồ Duy Hải đang gây tranh luận, đại biểu Nhưỡng bày tỏ, ông đã thức cả đêm để xem từng bản ảnh của vụ án và phát hiện rất nhiều vấn đề sai sót về tố tụng, thấy cần lên tiếng.
Ông khuyến cáo “đừng đổ tội cho các đại biểu Quốc hội đi làm rối vấn đề, sự việc và cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa với công tác tư pháp”.
Tranh luận về ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) đồng tình về việc đề cập về những mặt tồn tại mà hoạt động tư pháp gặp trong thời gian qua.
"Trước hết tôi rất đồng tình về một số đại biểu đề cập về cái sai của cơ quan này, cơ quan kia. Nếu mà cơ quan này, cơ quan kia, kể cả cơ quan tư pháp có sai thì cũng tính toán nên sửa. Đấy là một điểm toàn dân mong muốn. Tuy nhiên trong vấn đề sai thì chúng ta cũng không nên đánh giá cơ quan tư pháp tệ hại như một ý kiến đánh giá vừa nêu", ông Quyền nói.
Đại biểu Quyền cho rằng, hoạt động tư pháp trong thời gian qua tuy có những cái sai, làm chưa tốt nhưng đại thể trong suốt quá trình cải cách tư pháp thì đã có những thành quả, thành tựu góp phần ổn định trật tự xã hội.
"Nếu chỉ một vài việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên. Quan trọng nhất là làm thế nào để các cơ quan tư pháp cùng nhau sửa được cái sai, cái khuyết điểm để đưa hoạt động tư pháp tốt hơn, chất lượng hiệu quả hơn, tránh được oan sai", đại biểu Quyền cho hay.
Cùng tranh luận về ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng cần phải có sự khách quan trong việc nhìn nhận hoạt động tư pháp trong thời gian qua.
"Đại biểu nói chưa bao giờ uy tín của ngành tư pháp thấp như bây giờ. Đại biểu cho biết là nhận định này đại biểu có nhạn được từ một số cá nhân qua điện thoại. Tôi thấy rằng nên nhìn nhận thế nào cho nó đúng, vì phát biểu của đại biểu theo kiểu nhận định qua tiếp nhận qua điện thoại thì có được coi là có cơ sở không. Tôi cho rằng, nhân định này phủ định sạch trơn những thành tựu của ngành tư pháp", ông Cương nói.
Đại biểu Cương cho biết, thời gian qua có nhận được điện thoại của phóng viên về vụ án này, vụ án khác "nhưng tôi nói không thể trả lời được, bởi vì tôi không được nghiên cứu hồ sơ, tôi không được cung cấp tài liệu chính thống của ngành".
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, ở đây đặt ra vấn đề cơ chế thông tin cho đại biểu Quốc hội để đại biểu dễ dàng cập nhật được thông tin chính xác nhất.
Bấm nút tranh luận lại ngay sau đó, đại biểu Nhưỡng đồng tình với ý kiến cần có cơ chế cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội. “Tôi biết còn nhiều việc chặn thông tin đến đại biểu, trong đó có cá nhân tôi”, ông Nhưỡng tuyên bố.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, không có kế hoạch, âm mưu nào “chặn thông tin đến đại biểu Quốc hội”. Nếu có, yêu cầu đại biểu báo cáo, có bằng chứng cụ thể.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhắc đến các vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước,...