Đại biểu Quốc hội lên tiếng trước tranh cãi về việc thu phí cao nguyên đá Đồng Văn
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là vấn đề nhạy cảm, cần tính toán kỹ, chưa nên thu phí ngay.
Sau khi thông tin tỉnh Hà Giang lên phương án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đã có nhiều ý kiến khác nhau tranh cãi về vấn đề này. Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (đại biểu đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), về vấn đề này.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Theo ông Bùi Hoài Sơn, trong 2 năm vừa qua, ông có một vài lần đến Hà Giang và chứng kiến sự phát triển nhanh của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Hà Giang còn nhiều khó khăn, nhưng chính ở vùng sâu, vùng xa và miền núi hẻo lánh như ở đây cũng có nét hấp dẫn riêng với công viên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh, phong cảnh núi non hùng vĩ với văn hóa đa dạng, phong phú của các tộc người ở đây thực sự là những sản phẩm rất phù hợp với những loại hình du lịch nhất định.
Việc Hà Giang tập trung nhiều vào phát triển du lịch để từ đó tạo ra tác động lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác là một hướng đi đúng, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở một tỉnh còn nhiều khó khăn này.
Hà Giang đã thực sự trở thành một điểm đến mới quan trọng, tạo điểm nhấn cho du lịch Việt Nam. Đó là một trong những lý do để tỉnh Hà Giang tính toán những kế hoạch cụ thể cho hướng phát triển lâu dài cho du lịch ở tỉnh, trong đó có công viên đá Đồng Văn và thu phí là một phần trong kế hoạch này.
Tuy nhiên, theo Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thu phí là một vấn đề hết sức nhạy cảm vì nhiều khi điều này tác động đến tâm lý du khách nhiều hơn số tiền bỏ ra. Đối với một địa điểm du lịch mới, khi sức chứa du lịch chưa đến mức quá tải, thông thường cách làm là ngược lại. Nhiều địa phương tìm nhiều cách khác nhau để thu hút du khách bằng các cách thức khuyến mại, chính sách ưu đãi khác nhau. Việc Quốc hội lần này thông qua sửa đổi Luật xuất cảnh, nhập cảnh trong đó có điều khoảng gia hạn, miễn giảm visa cho thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chính là cách đi đó.
Ở quy mô địa phương, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng cũng là một hướng đi cần cần nhắc theo hướng như vậy để duy trì tính hấp dẫn và tình cảm yêu mến đối với một điểm đến mới, tạo ra so sánh với các địa điểm du lịch khác.
Nêu ví dụ về một số địa điểm cũng thu thêm phí của du khách, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho hay khi đi công tác tại Geneve (Thụy Sĩ), khi đến khách sạn, ngoài tiền dịch vụ như bình thường, ông phải đóng thêm 15 euro tiền phí cho du khách nhưng ông hoàn toàn thoải mái với khoản chi phí này vì được hưởng rất nhiều các ưu đãi khác như đi các phương tiện công cộng miễn phí. Có nghĩa là số tiền mình bỏ ra tương xứng với lợi ích mình được hưởng.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, rất khó so sánh Thụy Sĩ với Việt Nam, hay Geneve với Hà Giang vì rất khác nhau, nhưng điều ông muốn nhấn mạnh ở đây là khi chúng ta quy định thu vé thì chúng ta cần có hạ tầng, dịch vụ tương xứng với phí thu từ du khách. "Nếu không, việc thu phí rất dễ rơi vào cảnh tận thu, tạo hình ảnh xấu cho điểm đến, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác ở Hà Giang như khách sạn, nhà hàng, giao thông... Tất cả những điều này phải nằm trong tính toán của tỉnh trước khi ban hành bất kỳ một quyết định thu phí nào. Từ trên tính toán đó, tỉnh Hà Giang sẽ quyết định nên thu phí hay không? Nếu có thì khi nào, bao nhiêu trên cơ sở điều kiện phục vụ du khách đã sẵn sàng" - vị đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội nêu quan điểm.
Cột cờ Lũng Cú là một biểu tượng ở Hà Giang. Ảnh: NLĐO
Về câu hỏi ông đồng tình với kế hoạch thu phí này không? ông Bùi Hoài Sơn cho rằng đây là câu hỏi không dễ trả lời. Theo ông, nếu ngay lúc này thì chưa nên thu phí. Nhưng trong thời gian tương lai, việc thu phí là có thể cân nhắc. Đầu tiên, chúng ta cần thu hút du khách, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm. Trên cơ sở đó, chúng ta tính toán đến việc thu phí để thu hút đầu tư, quản lý di sản và tổ chức các hoạt động nâng tầm thương hiệu, hướng đến chất lượng của du lịch và phân khúc du khách phù hợp.
"Trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta có thể thu phí vì những lý do như trên đã nói. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của du khách, hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan, chúng ta cần có kế hoạch hết sức cụ thể. Bên cạnh đánh giá tác động kinh tế - xã hội, chúng ta cần có cách nhìn phát triển du lịch ở một tư duy tổng thể, rộng lớn khi lĩnh vực này tác động đến không chỉ kinh tế, mà còn hình ảnh văn hóa, con người của tỉnh.
Nhiều quốc gia đã khuyến khích phát triển du lịch theo những hình thức như miễn phí di chuyển cho du khách, miễn giảm thuế... để kích thích các lĩnh vực khác như giao thông tại chỗ, nhà hàng, khách sạn, thủ công mĩ nghệ... của địa phương. Những lợi ích của các lĩnh vực liên quan này đều được tính cho thành tích của du lịch. Tính toán theo quan điểm như vậy sẽ khiến chúng ta có thêm nguồn lực cho việc quản lý di tích, bảo vệ di sản, không buộc các di sản nhất thiết phải nghĩ về tiền vé, thu phí như là nguồn thu bắt buộc phải có để duy trì hoạt động" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.
Vị đại biểu Quốc hội cũng nhận định dù Hà Giang đã có nhiều nỗ lực trong phát triển du lịch nhưng đúng là tỉnh vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa để thu hút du khách. Du lịch Hà Giang chủ yếu là du lịch cộng đồng để thưởng thức phong cảnh tự nhiên hùng vĩ, kỳ lạ, văn hóa tộc người đa dạng, phong phú chứ chưa hoàn toàn bởi dịch vụ hiện đại, thuận lợi. Vì thế, bất kỳ sự cản trở, không thuận tiện nào, kể cả đối với tâm lý của du khách cũng ảnh hưởng xấu đến du lịch ở Hà Giang.
"Du lịch có tác động lan tỏa. Nếu du lịch phát triển, các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cũng phát triển theo. Đồng bào dân tộc cũng chú ý nhiều hơn đến bảo vệ văn hóa truyền thống của mình, tập trung nhiều hơn cho lối sống văn minh trong vệ sinh nhà cửa, cách ăn ở để thu hút du khách. Tôi đã nhìn thấy những chuyển biến theo hướng tích cực đó và rất mong xu hướng này tiếp tục được củng cố và phát triển. Đó là lý do tại sao, tôi nghĩ trước khi tiến hành quyết định thu phí, tỉnh Hà Giang cần có đánh giá tác động kinh tế - xã hội hết sức cụ thể, trong đó có sinh kế của đồng bào dân tộc, để có phương án phù hợp với tất cả các bên liên quan" - ông Sơn nhận định.
Hình ảnh vị khách nước ngoài ngồi trên tấm bia khắc hình Quốc huy ở điểm cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) gây phản cảm.
Nguồn: [Link nguồn]