Đại biểu Quốc hội: "Giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố"
Phân tích về giá điện, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) khẳng định, cách giải trình của EVN đã ẩn đi một lần tăng giá. Giá điện không phải tăng 8,37% như EVN công bố mà thực chất là 10%, 12,7%, 14,2%,15%. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc, báo cáo Quốc tại kỳ họp tới.
ĐBQH Lào Cai Lê Thu Hà
Giải trình của EVN “ẩn” đi một lần tăng giá?
Về giá điện, ĐB Lê Thu Hà cho rằng trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố. Bóc tách thực tế tăng giá điện, bà Hà phân tích, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kwh trở lên) phải chỉ trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá. Như vậy không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101-200 kWh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới là 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.
Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400kWh) là 14.2%. “Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%,15%, khác với 8,33 – 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. Cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn. Do đó cần minh bạch giá đúng của 1 kWh điện. Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo QH tại kỳ họp tới”, bà Hà đề nghị”, bà Hà đề nghị.
Gian lận thi cử: Công lý không thể chỉ được thực thi một nửa
Về vụ việc gian lận thi cử, bà Hà cho rằng, căn cứ vào Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, thí sinh cần bị hủy kết quả thi và gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý với hành vi sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Bộ GDĐT có trách nhiệm giải quyết từ gốc - hủy kết quả thi THPT quốc gia, đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển đại học. Người được nâng điểm cần bị buộc thôi học, bởi họ đã vi phạm quy chế thi THPT quốc gia, điểm thi là bất hợp pháp.
“Các trường đại học cần cân nhắc gọi nhập học bổ sung để bù đắp cho số sinh viên bị loại vì gian lận điểm thi và trao lại cơ hội chính đáng cho các thí sinh này. Công lý không thể chỉ được thực thi một nửa”, bà Hà nói.
Đối với các phụ huynh tham gia nâng điểm cho con, theo bà Hà, cơ quan điều tra có thể làm rõ để xử lý theo tội đưa hối lộ quy định tại Bộ luật Hình sự. Hành vi đưa hối lộ có thể là vật chất, tiền bạc, cũng có thể là phi vật chất (hứa hẹn được thăng tiến, lợi ích trong công việc...). Bên cạnh đó, có thể phụ huynh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để con em được nâng điểm thì có thể coi là hành vi trục lợi được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.
Trường hợp không đủ căn cứ để khởi tố hình sự thì theo bà Hà, có thể xử lý hành chính những phụ huynh tham gia nâng điểm. Bởi phần lớn họ là viên chức nhà nước, chịu sự điều chỉnh bởi Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, các quy chế phòng chống tham nhũng... Chưa kể, nhiều người trong số này là đảng viên thì phải chịu thêm hình thức xử lý theo điều lệ Đảng.
“Nếu chứng minh thí sinh tham gia "chạy điểm" ngay từ đầu với cha mẹ thì có thể xử lý tội đồng phạm hoặc không tố giác tội phạm. Nếu không thì có thể xử lý hành chính, song không được công khai danh tính các em bởi luật hiện hành không cho phép. Việc xử lý cần có tình có lý. Vừa răn đe, vừa để các em có cơ hội được thi lại, đi lên bằng thực tài”, bà Hà nêu quan điểm.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo đại biểu Quốc hội về tình hình điều...