Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm hồi hương kim ấn Hoàng đế chi bảo

Sự kiện: Thời sự

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị các bộ ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ có biện pháp đưa kim ấn Hoàng đế chi bảo về nước

Ngày 27-10, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2022 và kế hoạch năm 2023, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho biết trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của cha ông ta để lại. Đồng thời, khai thác tốt phương diện giá trị kinh tế của di sản, đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Điều 9, Luật Di sản văn hóa đã quy định: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Ông Hải cho biết vừa qua có thông tin bảo vật kim ấn "Hoàng Đế chi bảo" của vua Minh Mạng, được đúc vào năm 1823, chất liệu bằng vàng, được truyền từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Bảo Đại, sẽ được đem ra đấu giá tại Pháp.

"Theo tôi được biết, bảo vật quốc gia của bất kỳ quốc gia nào đều bị cấm chuyển nhượng, kể cả bán đấu giá công khai. Ấn Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia, vì vậy, người giữ ấn và tổ chức đem ra đấu giá đều là bất hợp pháp"- ông Hải nhấn mạnh.

Chinh vì vậy, các bộ ngành cần tham mưu cho Chính phủ để dừng cuộc đấu giá, và dùng các biện pháp để đưa bảo vật quốc gia này trở về Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã đưa tin, Cục Di sản văn hóa, (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết website chính thức của hãng đấu giá Millon (ở Pháp) có đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật.

Trong số này có 2 cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925). Phiên đấu giá 2 cổ vật nêu trên dự kiến được tiến hành vào 11 giờ trưa ngày 31-10-2022 (giờ Paris). Nhà đấu giá Millon của Pháp chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với mức 2-3 triệu euro (48-72 tỉ đồng).

Ấn của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon

Ấn của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon

Theo thông tin đăng tải trên website của hãng đấu giá Millon và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn là Bảo Đại, trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30-8-1945.

Ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá 2 cổ vật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao. Công văn nêu rõ sau ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8-3-1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953.

Trước khi qua đời (năm 1997), cựu hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn "Hoàng đế chi bảo") cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.

Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).

Đề cập giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn "chảy máu cổ vật", Cục Di sản văn hóa cho biết Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa từ năm 2005. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với hàng loạt các văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Với sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc thực thi các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam. Quả chuông cổ của chùa Ngũ Hộ, Bắc Ninh đã được luật sư Watanabe cùng "Hội hoàn hương chuông cổ" vận chuyển bằng đường biển từ Nhật sang trao trả lại cho Việt Nam.

Năm 2018, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiếp nhận 18 hiện vật do Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức bàn giao. Các hiện vật chất liệu đá và đồng, là công cụ sản xuất và vũ khí của người xưa, được cơ quan phòng chống tội phạm cảnh sát Berlin thu giữ tại cửa hàng một thương nhân Việt Nam từ cuối năm 2016.

Mới đây, tháng 8-2022, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã trao trả cho Việt Nam một số cổ vật chưa rõ niên đại nhưng được xác định có nguồn gốc từ Việt Nam. Những năm gần đây có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và hiến tặng cho các bảo tàng, di tích. Trong số này có thể kể đến xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cũng đã được đưa về Huế năm 2022.

Hậu duệ nhà Nguyễn gửi văn bản phản đối đấu giá ấn Hoàng đế chi bảo

Trong văn bản này, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam khẳng định Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến - Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN