Đại biểu Quốc hội đề nghị lùi thông qua Luật BHXH sau thời điểm cải cách tổng thể tiền lương

Sự kiện: Thời sự

Chiều 27/3, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, một số ý kiến đề nghị lùi thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 8, thay vì thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đại biểu cho rằng, sau thời điểm cải cách tiền lương từ 1/7, sẽ có nhiều vấn đề tác động, thay đổi, nếu lùi thông qua sẽ tránh được tình trạng "vừa thông qua luật lại phải sửa ngay".

Đề cập đến các quy định trong dự thảo luật, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) băn khoăn khi mức trợ cấp hưu trí chưa đảm bảo nguyên tắc an sinh xã hội, không đảm bảo mức sống tối thiểu, hoặc chỉ tiệm cận mức sống này.

“Nếu chỉ thay đổi hình thức mà không có thay đổi về chính sách thì cần phải cân nhắc kỹ. Mức hưu trí phải cao hơn trợ cấp xã hội, nếu trợ cấp 500 nghìn thì mức hưu trí phải 750 nghìn/tháng”, bà Thúy đề nghị ban soạn thảo xem xét, đánh giá, báo cáo rõ hơn để Quốc hội xem xét quyết định.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)

Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Tuyên Quang cho rằng, các đối tượng có thu nhập ổn định ngoài xã hội rất đông với hàng trăm nghìn người, như người chạy grab, bán hàng online, họ có công việc ổn định, thu nhập thậm chí còn cao hơn lao động phổ thông làm việc trong khối doanh nghiệp. Nhưng dự luật lại chưa có giải pháp để đưa đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc. Bà đề nghị giao cho Chính phủ xây dựng lộ trình cụ thể, đến năm 2026 áp dụng bắt buộc đóng BHXH với nhóm lao động công nghệ, chạy grab.

Đặc biệt, bà Thúy cũng đề nghị nên cân nhắc lùi thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 7 sang kỳ họp thứ 8, tức là sau thời điểm thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7. Bởi sau thời điểm này sẽ có nhiều vấn đề tác động, thay đổi, tránh vừa thông qua luật lại phải sửa ngay.

Hỗ trợ vay ưu đãi để giữ chân đóng BHXH

Liên quan đến quy định rút BHXH một lần, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, đây là câu chuyện lớn, nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Bà Hạnh đề nghị cần đánh giá thêm, việc rút một lần đã đáp ứng được nhu cầu trước mắt của người lao động hay chưa; đồng thời cần tính phương án hỗ trợ cho người lao động, như chính sách hỗ trợ tín dụng.

“Có khi bản thân họ đau ốm, có công việc cần tiền để giải quyết trước mắt, thì phải tính toán hỗ trợ, chứ không phải chờ đến khi mất việc mới hỗ trợ”, bà Hạnh cho hay.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)

Với chính sách BHXH một lần, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, đây là vấn đề lớn, phức tạp, mỗi phương án đưa ra đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Do vậy cần lấy ý kiến người lao động - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho họ.

Theo bà, việc rút BHXH là quyền của người lao động, điều đó hoàn toàn không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Bởi số tiền người sử dụng lao động đóng chiếm tới 2/3, số 1/3 còn lại do người lao động đóng, nên người lao động cũng phải có trách nhiệm, tránh khi trẻ khỏe rút ra sử dụng hết, đến khi về già, trắng tay lại trở thành gánh nặng cho xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhìn nhận, trong giai đoạn dịch COVID-19, tình trạng rút BHXH một lần diễn ra nhiều nhất, chủ yếu để giải quyết vấn đề trong cuộc sống trước mắt. Nếu cần giữ chân người lao động, đại biểu cho rằng, nên cho rút ở mức 50%, kèm theo đó áp dụng cho vay ưu đãi, để họ giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng tâm tư nguyện vọng cho người lao động.

Về thời điểm thông qua luật, đại biểu đồng tình với ý kiến lùi sang kỳ họp thứ 8. Bởi chính sách tiền lương áp dụng từ 1/7, sẽ rất khó tính toán cơ chế BHXH. Mặt khác, đây là dự án luật rất phức tạp, nên có thể lùi sang kỳ họp sau, để có thời gian đánh giá tác động, xem xét từng điều khoản cho chặt chẽ hơn.

So với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, siết nhận BHXH một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN