Đại biểu QH: Quan chức tín nhiệm thấp phải từ chức

Sự kiện: Họp Quốc hội

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp phải từ chức.

Thảo luận về Luật tổ chức Quốc hội ngày 22/1, Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Ông Tám đề xuất, nên quy định thêm người này được quyền từ chức. Nếu họ không từ chức thì mới báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm…

“Về mặt tâm lý, để có kết quả tín nhiệm thấp như vậy có thể họ sẽ muốn từ chức để tránh cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả sẽ không thay đổi số phận”, ông Tám nói.

Đại biểu QH: Quan chức tín nhiệm thấp phải từ chức - 1
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám

Cùng ý kiến với Đại biểu Tám, tuy nhiên, Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhấn mạnh, nên thay đổi từ “không tín nhiệm có thể từ chức” thành “phải từ chức” để thể hiện tính khẳng định.

Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị, cần làm rõ trường hợp nào là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, trường hợp nào là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hiến pháp phải quy định nguyên tắc một trong những công cụ kiểm soát của quyền lập pháp đối với quyền hành pháp là bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nếu hành pháp cảm thấy chưa thoả mãn với những phê phán đối với mình thì có thể đề nghị cơ quan lập pháp bỏ phiếu tín nhiệm. Đó là Chính phủ kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Trường hợp đại biểu Quốc hội hay một cơ quan Quốc hội cảm thấy không thể tín nhiệm Chính phủ hoặc thành viên Chính phủ thì kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Quy định như vậy mới đảm bảo tính khả thi trong thực hiện kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội

Là đại biểu phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận ngày 22/10, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, trong Hiến pháp không quy định lấy phiếu tín nhiệm. Do vậy, ông cho rằng, Luật tổ chức không nên quy định lấy phiếu tín nhiệm.

Ông cho rằng, Hiến pháp quy định “bỏ phiếu tín nhiệm” chứ không “lấy phiếu tín nhiệm”. Do vậy, có thể ra một Nghị quyết riêng, chứ không nên ghi trong luật.

“Tôi thấy nghị quyết này thay đổi thường xuyên. Chúng ta vừa có nghị quyết 35 xong, sau đó lại thay đổi. Vừa rồi, các đại biểu có buổi góp ý sâu sắc rõ ràng nhưng khi tiếp thu giải trình vẫn nguyên như cũ, không có gì thay đổi”, Đại biểu Thuyền bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN