Đại biểu Phạm Phú Quốc chưa báo cáo về việc có 2 quốc tịch
Trưởng ban Công tác đại biểu cho hay chỉ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc có vi phạm luật hay không.
Ngày 26-8, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho hay đến thời điểm này, cá nhân ông cũng như Ban Công tác đại biểu chưa nhận được bất kỳ báo cáo chính thức nào về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch.
Những thông tin ông nắm được đến thời điểm này đều qua báo chí và mạng xã hội.
ĐBQH Phạm Phú Quốc. Ảnh: quochoi.vn
Cũng theo ông Tuý, ngày 25-8, ngay sau khi báo chí và mạng xã hội đưa nghi vấn ĐB Phạm Phú Quốc "mua" quốc tịch Cộng hoà Síp, ông đã chỉ đạo cơ quan giúp việc của Ban Công tác đại biểu xác minh thông tin.
Ngay cả khi đại biểu Phạm Phú Quốc xác nhận có hai quốc tịch thì để xử lý việc này vẫn cần sự xác minh của cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Tuý, trước hết, cơ quan quản lý hộ chiếu phải có thông tin chính thức để xác định đại biểu Phạm Phú Quốc có 2 hộ chiếu hay không? Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu mới đề nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM nêu quan điểm bởi đây là cơ quan tổ chức hiệp thương để giới thiệu ông Quốc tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, năm 2016.
Sau quy trình xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, toàn bộ hồ sơ sẽ được trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Chỉ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc có vi phạm luật hay không.
Ông Túy lưu ý ĐBQH có quyền miễn trừ, do vậy quy trình, thủ tục xem xét các thông tin liên quan đến đại biểu phải được tiến hành chặt chẽ, cẩn trọng.
Trưởng ban Công tác đại biểu cũng cho rằng trong nhiệm kỳ hoạt động, nếu ĐBQH có thay đổi về lý lịch đều phải báo cáo cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền chưa hề nhận được báo cáo của đại biểu Quốc về việc có hai quốc tịch.
Ngày 25-8, trả lời trên TTO, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch Síp. Tuy nhiên, ông Quốc khẳng định việc ông có quốc tịch Síp là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc "mua” quốc tịch với giá 2,5 triệu USD. Ông Quốc lý giải vợ và con trai ông đều là doanh nhân. Con trai ông học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài. Năm 2017, vợ và con gái ông có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Síp. Tới giữa năm 2018, gia đình ông Quốc đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho ông tại quốc đảo này. Ông Quốc cũng cho hay ông đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền. |
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã thừa nhận có thêm quốc tịch Cyprus (Síp)
Nguồn: [Link nguồn]