Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất "điểm ngắm cảnh" trên đường cao tốc
Minh họa trực tiếp qua hình ảnh, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh giới thiệu nhiều mô hình hiện đại trên thế giới, đồng thời đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Đường bộ "điểm ngắm cảnh" trên đường cao tốc sau "trạm dừng chân".
Sáng 24/11, trong trang phục áo dài ngũ thân quen thuộc, trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) đã góp ý vào dự thảo luật Đường bộ bằng những hình ảnh về kinh nghiệm một số nước, các điểm lưu ý cần thiết khi xây dựng hệ thống giao thông đường bộ hiện đại. Cụ thể như trạm dừng chân, điểm ngắm cảnh, bảng chỉ đường… của các nước trên thế giới.
“Đất nước ta trải dài từ Bắc chí Nam, non sông gấm vóc rất đẹp, nếu chỉ làm đường cao tốc, chúng ta chỉ đi qua chứ không dừng lại được. Ngay cả đường quốc lộ, nếu dừng lại cũng không có điểm, khi dừng xe ô tô, xe gắn máy chụp ảnh, ngắm cảnh cũng rất nguy hiểm. Trong khi ở nước ngoài họ chọn những điểm rất đẹp để làm các điểm ngắm cảnh, nghỉ ngơi tạm thời”, ông Cảnh đề nghị bổ sung "điểm ngắm cảnh" sau "trạm dừng chân" trong dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) giới thiệu mô hình giao thông các nước. Ảnh Như Ý
Liên quan đến nhà đỗ xe, ông đề nghị có chính sách cho tư nhân được chuyển nhượng một phần chỗ để xe như một tài sản hình thành trong tương lai. “Khi có chính sách như vậy, tư nhân sẽ có nguồn tiền ban đầu để đầu tư, sau đó họ sẽ dùng một số tầng trệt để kinh doanh thương mại, một số khác cho thuê, như thế mới hiệu quả", ông nói.
“Đầu tư cái này ngược với nhà thương mại, vì thương mại dùng hầm để xe, còn ở trên là trung tâm thương mại. Nhưng để an toàn, thì nhà để xe nên làm ở các tầng trên, còn tầng trệt hoặc tầng hầm làm thương mại”, ông Cảnh giới thiệu mô hình nhà để xe các nước làm.
Khẳng định đây là một dự án Luật quan trọng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất, nội dung dự thảo Luật này tiếp tục được đưa vào thảo luận kỹ càng ở Kỳ họp gần nhất.
Tiếp thu, giải trình sau đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cảm động với phần chuẩn bị công phu, tâm huyết với nhiều góp ý "rất đáng phải suy nghĩ" của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.
Quy định chặt chẽ việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (tỉnh Hải Dương) cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.
Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Bởi theo đại biểu, trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.
Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (tỉnh Nam Định) thống nhất với việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ cũng như dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở chính trị, pháp lý rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, việc xây dựng tách biệt 2 dự thảo Luật này cũng sẽ khá khó khăn, nhất là các nội dung liên quan cùng có quy định tại 2 dự thảo Luật.
Theo ông, có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả 2 luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý.
Đại biểu cho rằng, việc triển khai trong thực tiễn sẽ rất phiền phức, khó khăn. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, rà soát đối với các nội dung như vậy có thể dồn vào quy định tại một luật.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, theo ông, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.
Nguồn: [Link nguồn]
Thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.