Đại biểu nêu những bài học xương máu từ phòng chống dịch Covid-19
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng vaccine Covid-19 dịch vụ cũng là hình thức để xã hội đóng góp cùng với nhà nước.
Sáng nay (8/11), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch.
Chính sách về y tế còn chắp vá, cần đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở
Nêu ý kiến với báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần nhìn nhận lại, rút kinh nghiệm từ những bài học vừa qua trong công tác phòng chống dịch, phải làm sao để khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm được số ca nặng, giảm tử vong.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)
Một giải pháp đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đưa ra là cần phải quan tâm đến y tế cơ sở.
"Chúng tôi nhớ trong tất khóa chỉ có chỉ tiêu là 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể 30% chưa đáng kể so với nhu cầu của người dân. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để đáp ứng quy mô dân cư, chứ không phải chỉ trên vấn đề phân chia địa lý", đại biểu Phong Lan cho biết.
Theo nữ đại biểu đoàn TP.HCM, y tế cơ sở không chỉ là vấn đề về tiền mà còn là nhân lực, làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ để cơ sở y tế hoạt động cho tốt.
Theo bà Lan, hiện nay chính sách của chúng ta còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức.
"Ví dụ như cách đây hơn chục năm từ trung tâm y tế quận, huyện chia ra thành 3 phần: Bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế. Nhưng từ đó, chúng ta có bệnh viện chưa đến mức bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng què quặt, phòng y tế chỉ làm công việc hành chính”, bà Lan nói.
Về hệ thống điều trị, bà Lan thẳng thắn nói, đợt dịch vừa qua là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị.
"Nhưng chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết. Ngành y tế thời gian qua tập trung chống dịch trong khi còn các bệnh khác. Các bệnh viện chưa được chuẩn bị về cơ sở pháp lý, kiến thức cần thiết, vật tư y tế thuốc, cơ chế tài chính. Việc phân chia ngân sách nhà nước và bảo hiểm trong điều trị Covid-19 chưa rõ ràng nên các bệnh viện chưa rõ trong thanh toán", bà Lan nói và cho rằng đây là nguyên nhân góp phần làm loạn giá xét nghiệm như vừa qua.
Hệ thống y tế tư nhân, theo đánh giá của bà Lan, chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế thỏa đáng để cùng tham gia chống dịch.
Tương tự với việc tiêm vaccine, hiện Việt Nam chưa cho phép tiêm dịch vụ, nhưng bà Lan cho rằng "vaccine dịch vụ cũng là một hình thức để xã hội đóng góp vào công tác này".
"Chúng ta đã thực sự ưu tiên cho y tế hay chưa? Thực sự ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, cũng có nhiều con người cùng hoạt động. Trong ngành y, để phục vụ người bệnh thì phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, cán bộ quản lý có môi trường phát triển y đức. Chứ không phải lúc xảy ra chuyện rồi thì sử dụng biện pháp hành chính và các biện pháp hình sự. Bản thân tôi rất đau lòng. Chính người dân sẽ phải trả giá về việc này", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Cần tạo đồng thuận với người dân
Cũng đề cập đến bài học phòng chống dịch, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhiều điều chưa từng có tiền lệ trong thời gian chống dịch vừa qua, như: Tổng Bí thư hai lần kêu gọi đoàn kết chống dịch; biến chủng Delta lây lan nhanh xuất hiện; tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; quân đội điều quân lớn nhất lịch sử...
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa
"Các biện pháp chống dịch dù chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng hợp lý, có sự đồng lòng, cố gắng vượt bậc", bà Hoa nói.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn nêu nhiều hạn chế trong việc thực thi công vụ trong chống dịch ở cấp cơ sở.
Điểu hình, Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, kiên quyết không ban hành giấy phép con, không chia cắt, nhưng tại một số thời điểm, có nơi quá lo lắng nên đã đặt ra yêu cầu cao hơn, đặt ra giấy tờ không phù hợp đi qua chốt kiểm soát, gây khó khăn bức xúc cho người dân. Có địa phương chưa tạo điều kiện người dân từ thành phố lớn về quê chống dịch.
Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan chống dịch. Vẫn có cán bộ trong thời gian giãn cách đi chơi golf, nhưng khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực. Có cán bộ xa rời thực tế như việc coi bánh mỳ không phải là mặt hàng thiết yếu...
"Những trường hợp nêu trên không phổ biến nhưng tạo ra hình ảnh phản cảm, góp phần làm làm mất uy tín của chính quyền cấp cơ sở. Bài học rút ra là bất cứ việc gì cũng cần tạo đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Các quyết sách đưa ra phải cân nhắc trên cơ sở sức khỏe, quyền, lợi ích của người dân", đại biểu Hoa nói.
Theo đại biểu Hoa, nếu người dân vi phạm quy định chống dịch thì đã có các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tránh hành động cảm tính, bất chấp quy định.
Tăng chi an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường) cũng nêu ra có ba bài học được rút ra sau hai năm chống dịch.
Đại biểu Trần Văn Khải
Đó là, cuộc chiến với đại dịch là một hành trình đầy thách thức, khắc nghiệt và khó lường, đòi hỏi phải quyết liệt trong từng hành động, sự cầu thị và quả cảm trong thay đổi nhận thức, tư duy.
Thứ hai, cuộc chiến này dù khắc nghiệt đến đâu sẽ không cho đất nước Việt Nam bị tê liệt, chia rẽ mà còn làm chúng ta mạnh lên rất nhiều về tư duy nhận thức, tầm nhìn và ý chí chiến lược.
Thứ ba, nhân dân luôn là lực lượng chủ đạo trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như ứng phó với mọi thách thức mà đất nước gặp phải.
Để phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Khải đề nghị quan tâm đến lực lượng lao động. Dịch bệnh thời gian qua đã làm lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.
Với lao động đã về quê, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn trước đây trong môi trường an toàn, nên đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ kết nối cung - cầu mà còn hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống...
Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
"Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu Khải nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Sang đợt họp thứ 2, Quốc hội sẽ tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong thời gian từ ngày 8-13/11. Trong đợt...