Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao việc "ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam"
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cho rằng hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn.
Chiều nay 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về công tác bảo hộ công dân; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao...
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Là đại biểu Quốc hội đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bà Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu rõ trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã kí kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại"- đại biểu Tạ Thị Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh.
Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam, mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh.
"Gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh"- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ và cho biết hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương - đây là địa bàn du lịch trọng điểm, có nhiều khách du lịch đến Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn chiều 18-3
Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.
Từ điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đại biểu Trần Thị Thu Hằng chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021 - 2030 là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời có một số nội dung mới.
Theo Bộ trưởng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.
Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong đó đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Ở cấp độ quốc gia, theo Bộ trưởng, hoạt động ngoại giao văn hóa giúp tạo dấu ấn rất quan trọng, thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển Cơ quan điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa sửa đổi cũng quy định trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót, người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền.