Đại bàng Mỹ lại "gãy cánh" ở Somalia
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột kích vào Somalia để bắt giữ một trùm khủng bố đã vấp phải sức đề kháng mãnh liệt và phải rút lui tay trắng.
Trong khi chính quyền của Tổng thống Obama vẫn đang vật lộn tìm cách rút chân ra khỏi những cuộc xung đột lớn đầy tốn kém như Iraq, Afghanistan hay Syria thì họ vẫn chịu khó chi đậm cho những chiến dịch đặc biệt chống khủng bố để truy lùng cái mà nước Mỹ gọi là “những mục tiêu giá trị cao”.
Hồi cuối tuần, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã đồng thời phát động 2 chiến dịch đột kích đặc biệt nhằm bắt giữ hai đối tượng khủng bố mà họ đã truy lùng trong nhiều năm trời.
Ở Libya, lực lượng đặc nhiệm Delta đã đạt được mục tiêu mà kế hoạch đề ra, đó là bắt sống Abu Anas al-Liby, một thủ lĩnh al-Qaeda đã chỉ đạo thực hiện những vụ đánh bom vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania vào năm 1998 và bị Mỹ truy nã gắt gao với tiền thưởng lên tới 5 triệu USD.
Tên Abu Anas al-Liby vừa bị đặc nhiệm Mỹ bắt sống ở Lybia
Bình luận về thành tích này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: “Các chiến dịch ở Libya và Somalia đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới rằng Mỹ sẽ không từ một nỗ lực nào để truy lùng những kẻ khủng bố, bất chấp việc chúng lẩn trốn ở đâu hay bao lâu.”
Tuy nhiên, cuộc đột kích của đặc nhiệm hải quân Mỹ vào Somalia để bắt giữ tên cầm đầu nhóm vũ trang al-Shabab đã thất bại khi đặc nhiệm SEAL đổ bộ vào Barawe và vấp phải hỏa lực chống trả mãnh liệt của đối phương.
Sau một thời gian giao tranh, đặc nhiệm Mỹ đã buộc phải rút quân ra phía bờ biển dưới sự yểm trợ hỏa lực của một máy bay trực thăng vũ trang và hỏa lực hải quân mà không bắt giữ hay tiêu diệt được mục tiêu, tuy nhiên họ đã tránh được một thảm hỏa như trong chiến dịch Blackhawk Down cách đây 20 năm.
Đặc nhiệm SEAL của Mỹ đổ bộ vào Somalia bằng đường biển
Đặc nhiệm SEAL ra về tay trắng vì hai thất bại của tình báo Mỹ, đó là thủ lĩnh của al-Shabab không có ở nhà khi họ tấn công, và tòa nhà bên bờ biển mà họ tin rằng là nơi trú ẩn của hắn hóa ra lại là một địa điểm được phòng thủ cẩn mật.
Khi các đặc nhiệm người nhái lợi dụng đêm tối để tiếp cận bờ biển Somalia, họ không thể mang theo nhiều trang bị, vũ khí vì phương châm của họ là đánh nhanh và rút gọn.
Bởi vậy khi những lính đặc nhiệm được huấn luyện kỹ lưỡng của lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới này đối mặt với hỏa lực mạnh của các chiến binh đi dép của lực lượng đối lập, họ buộc phải chịu rút lui “tay trắng”, và đây có thể là một chiến thắng mà al-Shabab sẽ rêu rao khắp nơi.
Ngay sau khi đặc nhiệm Mỹ thoái lui, người phát ngôn của al-Shabab tuyên bố họ đã tịch thu được của lính Mỹ một chiếc áo chống đạn, nhiều đạn dược và 2 chiếc thang, đồng thời coi đây là một chiến thắng vang dội.
Đạn dược và các trang bị mà al-Shabab tịch thu được của đặc nhiệm Mỹ
Sau thất bại của chiến dịch Blackhawk Down ở thủ đô Mogadishu của Somalia năm 1993, Lầu Năm Góc đã cố không nhắc đến đất nước này trong một thời gian dài.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Mỹ đã liên tục thực hiện nhiều vụ đột kích bí mật vào Somalia với sự hỗ trợ của chính phủ do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở đất nước này.
Những chiến dịch bí mật này có lúc được thực hiện bằng máy bay vũ trang không người lái, có lúc do các đặc nhiệm SEAL của hải quân đảm nhiệm. Năm 2009, một lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đột kích vào chính thị trấn Barawe này để xác định vị trí và tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda ở Somalia là Ali Saleh Al-Nabhan.
Trong tương lai, chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục lên kế hoạch tổ chức các chiến dịch đặc biệt như vậy để tấn công vào Somalia, đặc biệt là sau vụ tấn công kinh hoàng do nhóm al-Shabab thực hiện tại trung tâm thương mại Westgate ở Kenya khiến 67 người thiệt mạng hồi cuối tháng 9.
Tuy nhiên ở những quốc gia như Somalia, những cuộc tấn công bí mật như vậy sẽ được coi là sự lộng hành của một cường quốc áp đặt sức mạnh quân sự của mình khắp mọi nơi và hành động ngoài khuôn khổ pháp luật để phục vụ cho lợi ích của riêng mình.
Ngay cả chính phủ Lybia được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn cũng đã lên tiếng chỉ trích Mỹ đã “bắt cóc” công dân của mình trái pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh giữa Mỹ và Lybia vẫn chưa ký hiệp định về dẫn độ.