Đại bác bắn dịp lễ Quốc khánh sử dụng đạn loại gì?
Tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 năm nay, Hà Nội sẽ bắn 21 loạt đại bác ở khu vực Hoàng thành Thăng Long.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho buổi lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng 2.9 đã sẵn sàng. Tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 năm nay, Hà Nội sẽ bắn 21 loạt đại bác ở khu vực Hoàng thành Thăng Long.
Đại bác bắt đầu được bắn khi bài Quốc ca vang lên và kéo dài cho đến khi kết thúc bài Quốc ca. Dự kiến bắn hết 21 loạt đại bác trong vòng 53 đến 57 giây. Có 5 cụm đại bác tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, mỗi cụm có 5 khẩu đại bác. Người bắn đại bác sẽ bắn lần lượt từ cụm 1-5 và ngược lại đến khi hết 21 loạt đại bác.
Tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 năm nay, Hà Nội sẽ bắn 21 loạt đại bác ở khu vực Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Tất Định)
Trung tướng Tuấn cho biết thêm, nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng – Bộ Quốc phòng) là đơn vị đảm nhận sản xuất đạn pháo, loại 105mm phục vụ việc bắn đại bác trong dịp lễ.
“Đạn bắn đại bác bắn trong dịp lễ không phải là đạn thật. Đây là loại đạn chuyên dụng do nhà máy Z113 sản xuất, nổ tại nòng pháo, giảm khói, thao tác thuận lợi và tiếng nổ đanh giòn, đảm bảo an toàn. Hiện tại chúng tôi chưa nắm được kinh phí bắn đại bác là bao nhiêu”, trung tướng Tuấn chia sẻ.
Theo Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đạn pháo đại bác có vỏ bằng đồng, nút chặn đầu đạn được làm bằng giấy carton (thay thế cho nút gỗ trước đây), giúp tăng độ an toàn khi bắn. Thuốc phóng nguyên bản được thay bằng thuốc phóng cầu, có tốc độ cháy nhanh, cháy sạch trong điều kiện áp suất thấp.
Nhiều người dân băn khoăn, tại sao không bắn 30 hoặc 50 loạt đại bác mà lại là con số 21 loạt đại bác. Trung tướng Tuấn cho hay, việc bắn đại bác có nguồn gốc lịch sử từ nước ngoài. Trước đây, ở các chiến hạm, binh sĩ thường bắn đại bác để đón khách, thể hiện sự hòa bình, thậm chí bắn đại bác tiễn đưa các nguyên thủ quốc gia. Ngày nay, nhiều nước cũng bắn đại bác trong lễ kỷ niệm; đón khách Quốc tế; lễ tang các nguyên thủ quốc gia để thể hiện sự trang trọng.
“Đến bây giờ chúng tôi cũng chưa lý giải được vì sao lại bắn 21 loạt đại bác. Nhưng có thể hiểu nôm na là nó liên quan đến một quy định nào đó”, trung tướng Tuấn nói thêm.
Cũng trong dịp lễ, TP. Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh tại nhiều điểm. Cụ thể là tại Hồ Hoàn Kiếm; Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng); Hồ Văn Quán (quận Hà Đông); Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); Hồ Tây (quận Tây Hồ).
Cùng với đó còn có các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao như chương trình Lễ hội Âm nhạc mùa thu Hà Nội; tổ chức đua xe đạp mở rộng Hà Nội lần thứ 2 xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm; tổ chức chiếu phim phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô... Các hoạt động kỷ niệm một phần sẽ dùng kinh phí của nhà nước, một phần xã hội hóa. Hoạt động bắn pháo hoa 100% là kinh phí xã hội hóa.
Dự kiến sẽ có 30.000 người tham gia lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Đoàn diễu binh, diễu hành sau khi đi qua quảng trường Ba Đình sẽ tiếp tục di chuyển theo hai hướng đường Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Liễu Giai và hướng Nguyễn Thái Học - Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn. Người dân có thể đứng dọc các tuyến đường này để xem trực tiếp. |