“Đại án” Vạn Thịnh Phát: Lời cảnh tỉnh tới những cán bộ tham nhũng
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác.
Những con số siêu khủng về số tiền bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chiếm đoạt của SCB. Số tiền Ngân hàng SCB huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân để Trương Mỹ Lan rút ruột, số tiền hối lộ quan chức, số bị hại đầu tư mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát, số tài sản bị kê biên của Mỹ Lan… đủ thấy đây là một “đại án” tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay, có sự tiếp tay rất lớn của các cán bộ thoái hóa biến chất.
Những con số siêu “khủng”
Quả thực chỉ đọc những con số liên quan đến “đại án” Vạn Thịnh Phát, chắc hẳn nhiều người choáng váng vì số tiền chiếm đoạt lớn tới mức tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại, khoảng 13,2 tỷ USD, xô đổ mọi kỷ lục về tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Việt Nam từ trước đến nay.
Hai đối tượng Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân.
Thông qua Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân và rút ruột 1.066.000 tỷ đồng, sau đó thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm công ty này được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật, là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, giúp Trương Mỹ Lan lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304 nghìn tỷ đồng, cùng lãi phát sinh 129.372 tỷ đồng là tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.
Tiếp tay, góp phần cho Trương Mỹ Lan tham ô là 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Trong đó phải kể đến Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) để bao che, bưng bít cho những sai phạm của “tập đoàn tội phạm” Vạn Thịnh Phát và bà “trùm mafia” Trương Mỹ Lan trong quá trình thanh tra, kiểm tra Ngân hàng SCB.
Số tiền này lớn hơn tổng số tiền Công ty Việt Á hối lộ cho toàn bộ các quan chức trong “đại án” nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 là khoảng 106 tỷ đồng, trong đó cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD. So với Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế - bị can bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong đại án chuyến bay giải cứu về cả số lần nhận và số tiền là 42 tỷ đồng, số tiền Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ nhiều gấp 3 lần.
Số tài sản bị kê biên của Trương Mỹ Lan gồm 589 tỉ và 15 triệu USD, 43 tài khoản ngân hàng (gần 2.100 tỷ đồng), 789 tỉ trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty CP Sài Gòn Kim Cương, 1.266 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận công trình xây dựng; 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan; 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô của bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên cùng nhiều cổ phần của bà Lan tại các công ty có liên quan…
Nhìn vào số tài khoản “khủng” đó đủ thấy mức độ giàu có của bà Lan ra sao, và để có được số tài sản đồ sộ đó, bà Lan đã có những chiêu trò lũng đoạn, rút ruột SCB rất cao tay mà bất cứ ai nghe thấy cũng phải ngả mũ chào thua bởi đầu óc “có sỏi” của người đàn bà thủ đoạn này.
Thủ đoạn lũng đoạn tinh vi
Mặc dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng bà Trương Mỹ Lan lại là người chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này với vai trò là cổ đông lớn vì từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay, bà ta luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Để thực hiện kế hoạch rút ruột SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Các lãnh đạo ngân hàng SCB bị truy nã.
Trong đó SCB có vai trò “đặc biệt quan trọng”, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong “hệ sinh thái”.
Tại ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt của ngân hàng đồng thời nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi. Từ đó bà Lan chỉ đạo thuộc cấp tại SCB và hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng hàng nghìn cá nhân, pháp nhân để lập cả nghìn bộ hồ sơ “khống” đứng tên vay vốn của ngân hàng. Các tài khoản kí “khống” này đều thực hiện rút tiền tại SCB trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện.
Giúp sức đắc lực cho Trương Mỹ Lan rút ruột SCB chính là tỉ phú Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, quốc tịch Trung Quốc, thường trú tại Hong Kong) - chồng bà Lan. Ông Chu Lập Cơ là cổ đông chính (chiếm 99,26% cổ phần), chủ tịch hội đồng quản trị, giữ vài trò cao nhất tại Công ty CP Đầu tư Times Square (Công ty Times Square).
Ông Cơ được bà Lan trao đổi, đề nghị lấy tài sản dự án Time Square, khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do bà bà Lan chỉ định tại Ngân hàng SCB.
Từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thích Phát và Công ty Times Square thực hiện thủ tục lập các hồ sơ vay vốn “khống” để giải ngân cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là hơn 29.000 tỉ đồng. Các khách hàng này đều là lao động tự do hoặc nhân viên Tập đoàn Vạn Thích Phát, có người nhà, người quen làm việc tại Ngân hàng SCB được bà Mỹ Lan nhờ đứng tên các khoản vay và được trả tiền công 15 - 40 triệu đồng/năm.
Năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được nợ, do đó ông Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp đại hội cổ đông Công ty Times Square Việt Nam, nội dung tiếp tục dùng tài sản của dự án Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ vay các khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB, với dư nợ vay được bảo đảm tối đa là hơn 35.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 17/10/2022, còn 46 khoản vay của 46 khách hàng tại SCB với dư nợ gốc là hơn 19.500 tỉ đồng, nợ lãi hơn 19.600 tỉ đồng. Tổng cộng dư nợ là hơn 39.000 tỉ. Trong đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay mà ông Cơ ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn SCB tổng giá trị là hơn 30.000 tỉ. Do đó, cơ quan điều tra cáo buộc chồng của chủ tịch Vạn Thịnh Phát liên đới gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỉ.
Cánh tay trái đắc lực giúp sức cho Trương Mỹ Lan chính là Trương Huệ Vân (sinh năm 1988, vợ ca sĩ Thanh Bùi), cháu ruột của Trương Mỹ Lan. Vân được bà Lan tin tưởng giao đứng tên cổ phần, vốn góp, tham gia quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty “ma” và 4 công ty có hoạt động thật (50 khoản vay), tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, đủ căn cứ xác định Trương Huệ Vân đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội “tham ô tài sản”, liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ đồng.
Giúp sức cho Trương Mỹ Lan còn có các lãnh đạo cấp cao tại Ngân hàng SCB gồm: Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Trương Khánh Hoàng, nguyên Quyền tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Tạ Chiêu Trung, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, là những người có chức vụ, quyền hạn tại Ngân hàng SCB.
Đây là những người Lan tin tưởng, thân tín, có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, được Lan chỉ đạo vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, trả mức lương cao từ 200-500 triệu/tháng, để làm nhiệm vụ xét duyệt, cấp tín dụng cho khách hàng vay vốn “khống” theo chỉ đạo của Lan, các hồ sơ, chứng từ khống, nhằm hợp thức việc rút các khoản tiền này ra khỏi Ngân hàng SCB để phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.
Để thực hiện được hành vi rút, chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB thông qua thủ đoạn vay, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá để phát hành các chứng thư thẩm định giá giúp hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm Vạn Thịnh Phát.
Kết quả điều tra xác định, có 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên của 5 công ty thẩm định giá gồm: Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty Exim và Công ty DATC có hành vi thông đồng giúp sức cho các đối tượng tại Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống.
Nhận “quà” để bao che
Tuy nhiên, giúp SCB thoát “án” ngoạn mục phải kể đến sự giúp sức triệt để của các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Ngày 01/8/2017, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm 18 thành viên do Đỗ Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng (Vụ 1) – sau này là Cục II thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng làm Trưởng đoàn, tiến hành thanh tra Ngân hàng SCB.
Quá trình thanh tra phát hiện nhiều chỉ tiêu phản ánh thực trạng SCB rất xấu: Hệ số an toàn, nợ xấu, tỷ lệ cho vay bất động sản đều cao hơn rất nhiều so với kế hoạch tái cơ cấu. Đặc biệt trong quá trình thanh tra phát hiện hàng loạt khách hàng cùng địa chỉ có tổng dư nợ tại SCB hơn 122.800 tỷ đồng
Tuy nhiên quá trình thanh tra, đoàn thanh tra đã bị “mua chuộc” nên đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước nên cơ quan này không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Hầu hết trong số 20 thành viên đoàn thanh tra SCB năm 2018 đều nhận tiền của Trương Mỹ Lan và ngân hàng này.
Trong đó, nhiều nhất là bà Đỗ Thị Nhàn, khi đó là Trưởng đoàn thanh tra đã nhiều lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan, lãnh đạo Ngân hàng SCB và 4 lần nhận hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng). Còn Nguyễn Văn Hưng nhiều lần nhận tiền từ SCB, tổng số 390.000 USD (hơn 8,7 tỷ đồng) và hiện đã giao nộp toàn bộ.
Tuy nhiên dù thủ đoạn có tinh vi, xảo quyệt, lọc lõi đến đâu, nhưng lưới trời lồng lộng, Trương Mỹ Lan vẫn không thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Bản thân bà Lan cũng bị đối tác là đại gia Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Capella, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền 40 triệu USD, tương đương 1.000 tỉ đồng… Ông Trí và bà Lan bắt đầu quen biết từ năm 2017 và sau đó hợp tác đầu tư trong một số dự án bất động sản, cũng như mua cổ phần công ty. Ông Trí đã nhận tổng cộng 1.000 tỷ đồng từ bà Lan thông qua các giao dịch như chuyển nhượng cổ phần và đầu tư dự án. Tuy nhiên, các giao dịch này không có giấy tờ hợp lệ và không có biên nhận. Sau khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng mà không có sự thỏa thuận với bà Lan.
Nguồn: [Link nguồn]
Sở hữu hàng ngàn bất động sản, bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trợ thủ quản lý, theo dõi để khi cần sẽ thế chấp vào Ngân hàng SCB rút tiền.