Đại án đăng kiểm: Giải mã ám hiệu của các đăng kiểm viên
Để bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK), tài xế hoặc chủ xe để tiền hối lộ từ 100 - 600 nghìn đồng, tùy loại xe ở cần gạt số, ghế lái, hộc đựng đồ trên cabin. Nếu xe không có tiền, đăng kiểm viên (ĐKV) sẽ bật đèn ra hiệu để đồng nghiệp kiểm tra kỹ, ghi nhận tất cả các lỗi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND TPHCM đề nghị truy tố 254 bị can liên quan vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Chi cục đăng kiểm, TTĐK trên địa bàn thành phố và các địa phương.
Không để tiền, 'kê' kịch lỗi
TTĐK 50-05V có trụ sở chính tại phường An Phú Đông (quận 12) với 4 chuyền kiểm định (1 chuyền ngưng hoạt động do không đủ nhân lực) và chi nhánh Hồng Hà (quận Tân Bình) với 2 chuyền kiểm định; 20 ĐKV. Năm 2014, ông Nguyễn Đình Quân được Cục Đăng kiểm bổ nhiệm làm giám đốc và đến tháng 5/2022 thì nghỉ hưu.
TTĐK 50-05V chi nhánh Hồng Hà (quận Tân Bình) thời điểm bị khám xét.
Để có tiền đưa cho các lãnh đạo Cục Đăng kiểm, không bị gây khó khăn trong công việc, tăng thêm thu nhập cho ĐKV..., ông Quân đưa ra chủ trương cho phép nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định.
Sau đó, ông Phạm Ngọc Hà và ông Khuất Duy Thịnh (đều là phó giám đốc) đã thống nhất, cùng với 5 trưởng dây chuyền, 14 ĐKV cùng thực hiện. Cụ thể, ĐKV công đoạn 1 sẽ lên cabin kiểm tra người đi đăng kiểm có bỏ tiền vào các vị trí như: cần gạt số, hộc đựng đồ, trong bao thuốc lá để trên cabin… hay không. Nếu có, ĐKV công đoạn 1 sẽ lấy.
Người đi đăng kiểm đưa trực tiếp thì ĐKV công đoạn 1 (các ĐKV luân phiên thay đổi người trong suốt thời gian làm việc tại trung tâm) sẽ là người nhận. Trường hợp người đi đăng kiểm có quen biết với ĐKV trong chuyền thì trực tiếp đưa tiền cho ĐKV. Sau đó, các ĐKV sẽ thông báo cho nhau biết để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn.
Tại chi nhánh Hồng Hà, chủ phương tiện đưa xe vào chuyền kiểm định thì ĐKV ở công đoạn 1 sẽ kiểm tra trên xe có tiền của khách để trong cabin hay không. Thông thường, số tiền từ 100 - 200 nghìn đồng sẽ để tại hộc gần cần số, trên ghế…
Có 254 người bị khởi tố về nhiều tội danh khác nhau trong "đại án đăng kiểm".
Nếu khách có để tiền thì không bật đèn ra hiệu và các ĐKV sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt và kiểm định đạt ngay lần đầu tiên. Nếu khách không để tiền trên xe, ĐKV ở công đoạn 1 sẽ bật đèn ra hiệu để cho các ĐKV trong chuyền kiểm tra kỹ, ghi nhận tất cả các lỗi và in phiếu kiểm định lần 1 không đạt; yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2.
Các chủ phương tiện khi xe kiểm định không đạt lần 1 sẽ không mang xe ra ngoài sửa chữa mà liên hệ trực tiếp với ĐKV trong chuyền, đưa tiền hối lộ từ 150 - 500 nghìn đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2.
Từ năm 2015 đến tháng 5/2022 (trừ thời gian dịch bệnh Covid), số tiền nhận hối lộ tại Chi nhánh Hồng Hà là hơn 26,5 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đề nghị truy tố 132 người về tội “Nhận hối lộ”, 53 người bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, 5 người bị đề nghị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” và 10 người bị đề nghị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. |
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Long làm giám đốc TTĐK 50-06V (có 3 chuyền kiểm định) cùng với các phó giám đốc đã chỉ đạo ĐKV nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đến đăng kiểm.
Các bị can quy ước số tiền nhận hối lộ từ 100 - 150 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định đối với xe ô tô con dưới 9 chỗ và xe ô tô từ 9 chỗ đến dưới 16 chỗ; 200 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định đối với xe ô tô từ 16 chỗ đến 45 chỗ, xe ô tô tải dưới 5 tấn và sơ-mi rơ-mooc; 300 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định đối với xe ô tô tải trên 5 tấn và xe đầu kéo.
Nếu xe có để tiền, ĐKV công đoạn 1 sẽ bật đèn chiếu sáng trước, mở đèn cảnh báo nguy hiểm. Đến công đoạn 3, ĐKV xác định xe có để sẵn tiền hối lộ thì sẽ tắt đèn cảnh báo nguy hiểm (có thể ĐKV công đoạn 3 nhận tiền rồi đưa lại cho trưởng dây chuyền hoặc để cho trưởng dây chuyền nhận).
Nếu trên xe không để tiền hối lộ, ĐKV vẫn để đèn cảnh báo nguy hiểm mở để các ĐKV biết nếu có lỗi sẽ không kiểm định đạt. Trong thời gian này, ông Long chỉ đạo nhận tiền tập trung vào các xe của Công ty dịch vụ công ích, các đối tượng môi giới có quan hệ quen biết.
Tháng 8/2018, ông Long chỉ đạo nhận tiền hối lộ từ các phương tiện đến đăng kiểm để có tiền tiếp khách, đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm để không bị kiểm tra xử lý và tăng thu nhập cho nhân viên.
Số tiền nhận hối lộ, ông Long chỉ đạo cấp dưới giữ 9 triệu đồng “tiền cứng” để tiếp khách, ăn uống, quà biếu cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm, số còn lại chia cho ĐKV, giám đốc và phó giám đốc. Từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2022, tổng số tiền nhận hối lộ tại TTĐK 50-06V là hơn 16,2 tỷ đồng.
Công an khám xét TTĐK 50-13D vào cuối tháng 2/2023. Ảnh: Hoàng Thuận.
Khác với 2 TTĐK trên, tại huyện Bình Chánh, TTĐK 50-13D thuộc Công ty Cổ phần Đăng kiểm Bình Chánh hoạt động vào tháng 1/2019. Tháng 10/2019, ông Nguyễn Hoàng Khánh (thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đăng kiểm Bình Chánh) đã đưa cha vợ là ông Lê Văn Nguyên vào phụ bán căng - tin tại trung tâm và chỉ đạo ban giám đốc, các ĐKV để ông Nguyên trực tiếp nhận tiền hối lộ từ chủ xe, tài xế, cò đăng kiểm.
Các ĐKV hoặc nhân viên thực tập sẽ ghi nhận các lỗi không đạt tiêu chuẩn vào giấy nháp rồi báo lại cho trưởng chuyền để đưa lại cho Nguyên. Sau đó, Nguyên thoả thuận với chủ phương tiện, tài xế, cò đăng kiểm yêu cầu đưa tiền hối lộ từ 100 - 400 nghìn đồng, tùy vào loại xe để được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Trung bình mỗi ngày, ông Nguyên nhận hối lộ từ 3 - 12 triệu đồng.
Nhận hối để có tiền chung chi cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm
Theo kết luận điều tra, TTĐK 50-03V hoạt động năm 1996, có trụ sở chính tại phường Tam Bình và năm 2014 thành lập một chi nhánh ở phường Linh Trung (TP Thủ Đức). TTĐK này có 12 ĐKV, ông Trần Văn Chủ làm giám đốc, 2 phó giám đốc là ông Bùi Văn Hữu và Trịnh Lý Phùng Ân.
Tổng số tiền nhận hối lộ TTĐK 50-03V là hơn 1,5 tỷ đồng.
Từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2022, ông Chủ cho phép các ĐKV nhận tiền hối lộ để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định của Cục Đăng kiểm giao, tăng thêm thu nhập cho nhân viên và có tiền để chung chi cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm.
Các ĐKV lợi dụng sơ hở trong khâu quản lý các công đoạn kiểm định thủ công, bằng kinh nghiệm để tác động bỏ qua các lỗi khi kiểm định và nhận hối lộ từ 100 - 300 nghìn đồng/xe, tùy loại phương tiện.
Tổng số tiền nhận hối lộ TTĐK này là hơn 1,5 tỷ đồng và Chủ nhiều lần đưa cho ông Trần Kỳ Hình với số tiền 80 triệu đồng và chia cho ông Đặng Việt Hà 180 triệu đồng.
Tương tự, tháng 10/2017, ông Ngô Ngọc Sơn được bổ nhiệm làm giám đốc TTĐK 50-07V (quận Bình Tân) và không cho phép nhận tiền của chủ phương tiện khi kiểm định nhằm chấn chỉnh không để xảy ra tiêu cực, sai phạm.
Tháng 8/2018, ông Sơn đã cho phép các ĐKV nhận tiền hối lộ để đảm bảo đạt chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định của Cục Đăng kiểm phân công, tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân viên và chi phí tiếp khách ngoại giao.
TTĐK 50-07V thời điểm bị kiểm tra.
Các phương tiện đến đăng kiểm có đưa tiền hối lộ thì các ĐKV sẽ bỏ qua các lỗi khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện gắn thêm phụ kiện mui gió, nhíp; hoặc sử dụng kết quả kiểm tra khí thải của xe khác để thay thế kết quả của xe không đạt; hoặc gõ ống bô ra hết muội khói và đạp ga nhiều lần rồi mới đưa xe lên chuyền kiểm tra…
Giá tiền đưa hối lộ tuỳ thuộc vào từng loại xe, cụ thể: xe ô tô con là 200 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô tải dưới 7 tấn từ 300 - 400 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô tải trên 7 tấn từ 400 - 500 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định.
Mỗi hồ sơ thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo, đăng kiểm viên của Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) sẽ nhận hối lộ từ 1,5 - 3 triệu đồng. Hằng tháng, ông Trần Anh Quân (nguyên quyền trưởng phòng) sẽ tổng kết số tiền nhận hối lộ và chia cho một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và tất cả nhân viên của đơn vị này.
Nguồn: [Link nguồn]