'Đại án đăng kiểm': Đại diện Viện kiểm sát 'bác' quan điểm bào chữa, chất vấn lại luật sư

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cùng với việc đưa ra phân tích để bác bỏ luận cứ bào chữa của một số luật sư cho rằng các bị cáo nhận tiền là lỗi hệ thống; hành vi nhận tiền hối lộ của bị cáo là hành vi giúp đỡ chủ xe..., đại diện Viện kiểm sát còn chất vấn lại các luật sư về việc "luật sư đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm theo quy định của Luật Luật sư đối với xã hội chưa?”

Chiều 13/8, tại phiên tòa xét xử "Đại án đăng kiểm", đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp với các luật sư và bị cáo nhóm các trung tâm đăng kiểm khối V.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.

Theo đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và nội dung cáo trạng truy tố là đúng, ngoại trừ bị cáo Lê Vũ Trọng Đạt. Tuy nhiên, một số luật sư vẫn cho rằng hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm bởi số tiền mà các bị cáo nhận không phải để bỏ qua lỗi phương tiện, không thực hiện hành vi theo yêu cầu của chủ phương tiện...; một số luật sư có ý kiến về cách tính tiền quy buộc trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo; thậm chí có luật sư còn cho rằng hành vi nhận tiền hối lộ của bị cáo là hành vi giúp đỡ chủ xe…

Bác bỏ các quan điểm nêu trên, đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh: "Hành vi nhận tiền xuất phát từ sự bất bình thường trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Nếu không có việc bị các đăng kiểm viên làm khó khi đi đăng kiểm, không có cái gọi là chủ trương nhận tiền từ lãnh đạo, thì mọi người khi đi đăng kiểm có buộc phải bỏ tiền trên xe khi đến đăng kiểm hay không?".

Đại diện Viện kiểm sát dẫn chứng, quá trình điều tra thể hiện rất rõ, khi kiểm tra xe, nếu không có tiền trên xe, đăng kiểm viên sẽ báo cho nhau biết, để những kiểm định viên khi thực hiện việc kiểm định xe sẽ tìm kiếm, bắt lỗi để đăng kiểm không đạt, chủ xe buộc phải quay lại kiểm định, và tất nhiên là phải bỏ tiền. Mỗi trung tâm có một cách kiểm tra, báo hiệu riêng.

“Đây thực sự là vấn nạn, là tệ nạn của xã hội, là cố tình kiếm tiền bất chấp, chứ không đơn giản là chủ xe tự nguyện bỏ tiền như một số luật sư, một số đăng kiểm viên, đặc biệt là lãnh đạo và đăng kiểm viên Trung tâm 50.05V, đã trình bày” – đại diện Viện Kiểm sát đối đáp.

Với quan điểm của luật sư về việc nhận hối lộ là "lỗi hệ thống", tiêu cực kéo dài, có yếu tố lỗi từ bị hại, Viện kiểm sát cho rằng, luật sư nhận định việc nhận hối lộ của những cá nhân, đơn vị là vấn đề bình thường là điều khiến mọi người hết sức băn khoăn. "Liệu luật sư đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm theo quy định của Luật Luật sư đối với xã hội chưa?”, đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề.

Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát còn nêu quan điểm: “Không thể có chuyện, vừa nhận tội, đề nghị HĐXX và Viện Kiểm sát áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng trong giải quyết vụ án, đồng thời lại cho rằng hành vi của các bị cáo không có lỗi. Việc trình bày luận cứ "hai hàng" như vậy, chúng tôi nhận thấy khó mà xác định rằng các bị cáo đang thành khẩn nhận tội”.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Cũng theo Viện kiểm sát, việc luật sư cho rằng do bị cáo bị xử lý, nên vợ, chồng, con, cha mẹ bị ảnh hưởng cũng coi như những người này bị xử lý là không đúng. Chính các bị cáo phải nhận thức được, chính hành vi sai phạm của bị cáo, làm ảnh hưởng đến gia đình mình, chứ không phải pháp luật đang trừng trị gia đình bị cáo vì sai phạm của bị cáo.

Tại phiên xét xử hôm nay, nhiều luật sư, bị cáo cho biết bị "sốc" sau khi nghe phần luận tội và đề nghị mức án phạt của VKSND TP HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tân Châu ([Tên nguồn])
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN