“Đại án” AIC và những điều ít thấy...

Sau 15 ngày xét xử và nghị án kéo dài (từ 21-12-2022 đến 4-1-2023), vụ án thông thầu xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai gây thất thoát hơn 152 tỷ đồng đã cơ bản khép lại. Nhìn lại quá trình tố tụng có thể thấy, ngoài những vấn đề nổi cộm của loại tội phạm mang tính tổ chức thì vụ án AIC còn chứa đựng rất nhiều điều mà ít thấy ở các “đại án” khác...

Các bị cáo trong vụ án khi nghe tòa tuyên án

Các bị cáo trong vụ án khi nghe tòa tuyên án

Điển hình của “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích”

Theo cáo trạng truy tố cùng diễn biến phiên tòa, từ năm 2005 đến tháng 9-2020, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) đã chủ động thiết lập quan hệ với người có chức vụ của tỉnh Đồng Nai là Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Quốc Thái (Chủ tịch UBND tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở KH&ĐT), Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đại diện chủ đầu tư) để đặt vấn đề, đồng thời trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền, lợi ích vật chất cho những người này với tổng số tiền 43,8 tỷ đồng để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật. Bị cáo Nhàn đã chỉ đạo các Phó Tổng giám đốc Công ty AIC là Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu; gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế của dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng và gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Tại phần luận tội Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 35 bị cáo liên quan, đại diện Viện kiểm sát (VKS) khẳng định, căn cứ vào các lời khai, tài liệu chứng cứ thu thập được… có đủ cơ sở xác định 36 bị cáo trong vụ án đã thực hiện các hành vi phạm tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo VKS, trong số 36 bị cáo bị điều tra, truy tố và xét xử của vụ án thì có 8 bị cáo gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen, Đỗ Văn Sơn, trước hoặc sau khi vụ án bị khởi tố, điều tra đã xuất cảnh khỏi Việt Nam để trốn tránh việc xử lý về hình sự, gây khó khăn cho việc giải quyết toàn diện đối với vụ án.

Tuy nhiên, với các tài liệu, chứng cứ thu thập được có đủ căn cứ xác định hành vi của các bị cáo trong vụ án đã phạm tội như VKS truy tố. Việc Tòa án quyết định đưa vụ án cùng các bị cáo (kể cả các bị cáo đã truy nã nhưng không có kết quả) ra xét xử là kịp thời, cần thiết, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật để giải quyết toàn diện vụ án với tinh thần “trốn cũng không thể trốn được”.

Luận tội Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 35 bị cáo liên quan, VKS khẳng định: Vụ án này là một minh họa điển hình cho “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”. Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền thực hiện trái quy định của pháp luật để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng. Hành vi này còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở ban ngành tỉnh Đồng Nai, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hóa biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Những điểm nổi bật trong quá trình xử án

Có thể nói, vụ án AIC còn có những điểm rất nổi bật, khác biệt hẳn với những “đại án” từ trước tới nay được đưa ra xét xử. Đó là vụ án có 36 bị cáo thì có tới 8 bị cáo bỏ trốn, trong đó có cả bị cáo giữ vai trò cầm đầu, khởi xướng, chủ mưu Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Thứ hai là thời gian thụ lý vụ án rất khẩn trương. Thứ ba là sự vắng mặt của 8 bị cáo trong giai đoạn trước khi khởi tố vụ án. Thứ tư là ngay sau khi khai mạc phiên tòa, HĐXX tiếp tục kêu gọi các bị cáo bỏ trốn ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Cùng với đó, vụ án AIC là vụ án có nhiều bị can, bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (do tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp nhanh chóng làm sáng tỏ các tình tiết và kết thúc vụ án) nhất từ trước tới nay, tới 8 bị cáo. Cá biệt, bị cáo Nguyễn Thành Thái (cựu nhân viên Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai) còn được CQĐT “trưng dụng” cả tháng trời để giúp cơ quan tố tụng bóc tách, làm sáng tỏ sự gian lận trong từng gói thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Ngoài ra, theo Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thì quá trình xét xử vụ án cũng có những diễn biến nổi bật. Trong đó, đáng chú ý nhất là nguyện vọng của một số bị cáo bỏ trốn. Theo đó, ngay ngày đầu khai mạc phiên tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội - bị xác định đang bỏ trốn) cho biết, bị cáo Thuyết đã có đơn xin xét xử vắng mặt và xin chấp nhận các phán xét của tòa án. Qua đơn gửi tới HĐXX, bị cáo Thuyết cũng bày tỏ sự nhất trí để luật sư (do tòa án chỉ định) tham gia bào chữa tại phiên tòa. Tương tự, luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên - hiện bỏ trốn) cũng cho biết, thân chủ của luật sư này đang ở Mỹ. Vinh đã trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình với gia đình về việc muốn hợp tác xét xử...

Luật sư chỉ định không khác luật sư mời

Ở vụ án AIC, tuy số lượng bị can, bị cáo không phải quá nhiều, song số lượng luật sư do cơ quan tố tụng chỉ định để bào chữa cho các bị can, bị cáo là nhiều nhất từ trước tới nay, lên tới 14 luật sư. Sở dĩ như vậy vì theo quy định pháp luật, mọi trường hợp bị can, bị cáo bị điều tra, truy tố, xét xử với tội danh có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên bắt buộc phải có luật sư bào chữa. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo cũng như bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh và liêm chính trong hoạt động tư pháp. Ngoài 8 bị cáo bỏ trốn thì 6 bị cáo khác không có điều kiện mời hoặc nhờ luật sư bào chữa nên cơ quan tố tụng đã đề nghị Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân công tổ chức hành nghề luật sư và cá nhân các luật sư tham gia vụ án.

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, tiếp nhận yêu cầu bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tấn Sỹ (nhân viên Công ty AIC) ngay từ giai đoạn điều tra, nữ luật sư này đã phải liên tục có mặt cùng các điều tra viên, kiểm sát viên khi lấy lời khai bị can. Khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Viện kiểm sát, rồi tòa án, luật sư Tuyết tiếp tục phải nghiên cứu từng trang bút lục, từng chứng cứ nhỏ liên quan đến hành vi phạm tội của thân chủ mình. Khi vụ án được đưa ra xét xử với hơn 10 ngày căng thẳng, luật sư Tuyết cũng không hề sao nhãng một giây phút nào. Hôm nghe tòa tuyên án, bị cáo Sỹ chỉ bị tuyên phạt 30 tháng tù (thấp hơn hẳn mức đề nghị án của VKS), luật sư Tuyết đã không giấu nổi niềm vui.

Cũng với vai trò là luật sư chỉ định trong vụ án, bào chữa cho bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm Hồ sơ dự thầu Công ty AIC), luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Nhận trách nhiệm bào chữa cho bị cáo Tuân, tôi nhiều ngày mất ăn, mất ngủ và phải tìm kiếm, xem xét kỹ lưỡng hàng nghìn bút lục trong số hàng trăm nghìn bút lục, tài liệu của vụ án. Tôi đồng tình với cơ quan tố tụng về việc truy tố, xét xử bị cáo Tuân theo khoản 3, Điều 222-Bộ luật  Hình sự. Tuy nhiên, sau quá trình phân tích và viện dẫn chứng cứ, tài liệu, tôi khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Tuân chỉ mang tính giản đơn và vai trò giúp sức không đáng kể. Đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo ngọn ngành, mọi nhẽ trước khi đưa ra phán quyết”.

Luật sư Tuyến còn nêu bật tinh thần xuyên suốt của Bộ luật Hình sự cũng như quan điểm phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố và khoan hồng đối với thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị mà còn cảm hóa, giáo dục người phạm tội khắc phục sai lầm để trở thành người có ích cho xã hội. Khép lại phiên tòa, bị cáo Lê Chí Tuân bị tuyên phạt 36 tháng tù (thay vì từ 4 - 5 năm tù như VKS đề nghị) khiến bị cáo và gia đình bị cáo vỡ òa trong niềm vui và bản thân vị luật sư chỉ định cũng trút bỏ được “gánh nặng” trách nhiệm đã đeo đẳng trong nhiều tháng qua.

Vụ án này là một minh họa điển hình cho “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”. Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền thực hiện trái quy định của pháp luật để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng. Hành vi này còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở ban ngành tỉnh Đồng Nai, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hóa biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Toàn cảnh kết quả phiên tòa vụ AIC: Bỏ trốn cũng không thoát tội

Ngày 4-1, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 36 bị cáo vụ đưa, nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - AIC và BV đa khoa tỉnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Long ([Tên nguồn])
Vụ Công ty AIC hối lộ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN