"Đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở VN" là bịa đặt

Hình ảnh về cựu binh Robertson trong phim không rõ ràng và báo chí Mỹ, Canada cũng chưa được cung cấp hình ảnh chính thức nào về Robertson và cuộc sống của ông hiện nay ở Việt Nam nếu nhân vật này có thật.

Trưa 27/4, sau khi đăng bài xung quanh câu chuyện khó tin "đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở VN", PV Tiền Phong tiếp tục xác minh các nguồn tin chính thức từ các cơ quan, tổ chức của Mỹ.

"Đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở VN" là bịa đặt - 1

Người được cho là cựu binh Robertson vẫn còn sống thực ra là một người Pháp lấy vợ Việt Nam tại Cămpuchia (bìa trái). Ảnh: http://www.macvsog.cc.

Sau khi được trực tiếp tiếp cận nhiều đoạn trong bộ phim tài liệu Unclaimed (Không đòi hỏi) của nhà làm phim Michael Jorgensen bắt đầu khởi chiếu chính thức từ ngày 30/4 ở Mỹ và Canada như báo chí hai nước này đã đưa tin, PV Tiền Phong nhận thấy nhiều chi tiết chưa có bằng chứng xác thực, mặc dù đạo diễn đã cố tình chứng tỏ điều đó.

Hình ảnh về cựu binh Robertson trong phim không rõ ràng và báo chí Mỹ, Canada cũng chưa được cung cấp hình ảnh chính thức nào về Robertson và cuộc sống của ông hiện nay ở Việt Nam nếu nhân vật này có thật.

"Đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở VN" là bịa đặt - 2

Người đàn ông Pháp (trái) tự nhận mình là cựu binh Robertson?

Mặc dù đang trong kỳ nghỉ cuối tuần, nhưng thông tin ban đầu cho biết nhiều khả năng chính nhà làm phim Michael Jorgensen cũng bị lừa hoặc “cố tình” (?) và các đầu mối thông tin từ Việt Nam đều cho thấy việc một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam tưởng đã chết, nhưng đang sống ở vùng núi miền Bắc Việt Nam mà không ai biết trong chừng ấy năm là không tưởng.

Một số cựu binh Mỹ đang làm việc ở Việt Nam cũng cho rằng việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu giữa hai nhà nước Việt Nam và Hoa Kỳ nên việc một cựu binh Mỹ sống suốt 45 ở vùng núi Việt Nam mà không ai biết là không có cơ sở.

Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, đây là chuyện không đáng tin và sau kỳ nghỉ sẽ có Thông cáo báo chí chính thức về sự việc này.

"Đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở VN" là bịa đặt - 3

Cựu binh Robertson năm 1966 được xác nhận là đã chết năm 1968 sau khi máy bay bị bắn rơi

Trên các diễn đàn mạng của cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, câu chuyện về cựu binh Robertson từng được bàn tán khá nhiều. Trên trang http://www.macvsog.cc, một số cựu binh khẳng định thông tin về cựu binh Robertson, tử nạn do máy bay bị bắn rơi ở biên giới Lào năm 1968, hiện còn sống là không đúng sự thật.

Bức ảnh chụp cựu binh Robertson thực ra là một người Pháp sống nhiều năm ở Cămpuchia, lấy vợ Việt Nam và có vài người con. Cũng theo thông tin trên trang http://www.macvsog.cc, chính người đàn ông Pháp này đã cố tình lừa cựu binh Tom Faunce, và ông này đã đến kể câu chuyện (bị lừa) với nhà làm phim Jorgensen.

Trên diễn đàn của trang military.com, các cựu binh Mỹ cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho biết đây là câu chuyện không có thật và người tự nhận mình là cựu binh Robertson thực ra là một người Pháp có vợ Việt Nam.

Đây là những thông tin ban đầu mà PV Tiền Phong xác minh được, thông tin chính thức sẽ được Đại sứ quán Mỹ, một số tổ chức cựu binh Mỹ tại Việt Nam... cung cấp trong thời gian tới.

Các tài liệu cho biết cựu binh Robertson cùng phi công Việt Nam và một vài người khác có mặt trên chiếc trực thăng King Bee CH34 cất cánh từ sân bay Phú Bài đã bị trúng đạn và lao thẳng xuống rừng cây ở thung lũng A Shau (Lào) ngày 20/5/1968 và được xác nhận đã chết.

Hoạt động tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam là hoạt động nhân đạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ. Đại diện Chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần cảm ơn và đánh giá cao chính sách nhân đạo, thiện chí và sự hợp tác tích cực, sự giúp đỡ ngày càng hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hoạt động tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Quan chức cấp cao Việt Nam cũng luôn khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh và Việt Nam tiếp tục hợp tác với phía Hoa Kỳ trong nỗ lực tìm kiếm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Đường (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN