Đã xác định nguồn gốc 32 quan tài dưới nhà
Những thông tin về việc có hũ vàng, trang sức trong 32 quan tài được phát hiện trong khi đào móng nhà ở TP Cẩm Phả - Quảng Ninh là thất thiệt.
Thông tin gia đình bà Đào Thị Đượng, trú tổ 5, khu phố Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả - Quảng Ninh trong quá trình đào móng nhà phát hiện 32 phần mộ khiến hàng trăm người dân địa phương hiếu kỳ kéo đến xem. Cũng từ đó xuất hiện lời đồn thổi: Đây là hố chôn tập thể; trong hàng chục ngôi mộ được phát hiện có nhiều hũ vàng, trang sức, đồ cổ chôn cùng người chết…
Phần mộ trên 50 năm
Theo bà Nguyễn Thị Đượng, trước khi khởi công xây nhà, gia đình bà quyết định đào sâu, xúc đất cũ đi rồi đổ đất mới vào. Ngày 9/5, khi đào được khoảng gần 4 m thì chiếc gầu của máy xúc va vào vật cứng. Người lái máy xúc phát hoảng khi đi xuống nhìn thì thấy đó là chiếc tiểu sành, bên trong chứa hài cốt.
Ngày hôm sau, gia đình tiếp tục đào bới thì phát hiện thêm nhiều quan tài, bên trong có xương cốt. Đến chiều tối 13/5, nhóm thợ đào đã kết thúc công việc và tìm thấy 32 phần mộ trên diện tích đất 293,6 m2.
Khu đất phát hiện 32 quan tài của gia đình bà Đượng trước đây là nghĩa trang
Theo bà Đượng, trong số 32 phần mộ thì có 15 quan tài gỗ đã mục nát và một phần xương cốt; 7 phần mộ chôn bằng rọ tre và một phần xương cốt; 9 phần mộ chỉ còn vệt đất đen; 1 phần mộ chôn có tiểu sành và một phần xương cốt. Trong số đó có 1 quan tài bên trong có lắc đeo tay kim loại màu vàng; 5 phần mộ mỗi phần mộ có 1 miếng kim loại màu vàng, hình tròn dạng đồng xu.
Ngay sau khi tìm thấy quan tài thứ 32, ngày 13/5, gia đình bà Đượng đã tổ chức lễ cầu siêu và an táng 32 phần hài cốt tại nghĩa trang Cọc 3, chùa Phả Thiên, phường Cẩm Sơn.
Nhà ngoại cảm Đào Hồng Quân ở thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều - Quảng Ninh, được gia đình bà Đượng mời đến trong quá trình đào mộ, cho biết phần lớn những người được chôn cất ở đây đến từ một số tỉnh, thành miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình… Những người này đã yên nghỉ tại đây vào khoảng thời gian từ năm 1944 đến năm 1954.
Nghĩa trang của dân chài
Trao đổi với phóng viên, anh Lê Kim Tân, con trai trưởng của bà Nguyễn Thị Đượng, cho biết mảnh đất này được bố mẹ anh mua lại từ những năm 1980. Sau khi đã làm sổ đỏ, gia đình làm một ngôi nhà 2 tầng rộng hơn 100 m để ở. Diện tích còn lại, bà Đượng tiếp tục xây 3 căn nhà cho các con thì phát hiện các quan tài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn phường có 3 nhà trong quá trình xây dựng, đào móng sâu hơn 3 m đều phát hiện hài cốt với tổng số gần 70 phần mộ. UBND TP Cẩm Phả khẳng định: “Vị trí nơi phát hiện các phần mộ trước đây là doi đất giáp biển, nơi dân thuyền chài thường chôn cất những người chết. Đây không phải là chôn cất tập thể và cũng không phải là mộ cổ, không có hũ vàng và các đồ cổ khác”.
Tìm được hài cốt người thân Từ những thông tin về việc phát hiện các ngôi mộ ở gia đình bà Đào Thị Đượng, gia đình chị An Thị Hiền (thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ - Hưng Yên) đã liên hệ để tìm hài cốt của người thân bị thất lạc. Khi tìm đến nơi, sau khi kiểm tra, so sánh với mô tả của gia đình, chị Hiền nhận ra một chiếc tiểu đựng hài cốt của ông nội là An Văn Bật. Ngoài bộ hài cốt đã xác định được danh tính, gia đình chị Hiền đang tiếp tục xác định 2 bộ hài cốt nữa mà gia đình đang phỏng đoán là của ông An Văn Rác và ông An Văn Điềm, 2 người em của ông Bật. |