Đà Nẵng sẽ “đấu giá” nhân tài?

Sự kiện: Tin nóng

Tại hội thảo góp ý về vấn đề nhân tài do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 1/10, có ý kiến đề nghị việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao không nên gò bó trong khu vực nhà nước, nên có hình thức chuyển nhượng cho khu vực tư nhân; việc chuyển nhượng này xem như cuộc “đấu giá”.

Đà Nẵng sẽ “đấu giá” nhân tài? - 1

Chị Phan Thị Thu Trang - học viên Đề án 922 phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.T

Hội thảo có tên đầy đủ là “Đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đề án đào tạo nguồn nhân lực; định hướng công tác thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Theo báo cáo, đến nay, Đà Nẵng đã bố trí và sử dụng 1.269 nhân lực theo diện được thu hút và có 639 lượt học viên được cử đi học theo đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) với 610 người tham gia. Trong số 610 người tham gia đề án có 433 người đã tốt nghiệp, 85 người đang học và 92 người vi phạm hợp đồng và xin ra khỏi đề án.

Ông Nguyễn Quanh Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, cho rằng, sau khi đào tạo, các học viên cần có thời gian rèn luyện để nâng cao năng lực; thành phố ràng buộc thời gian cống hiến sau khi đào tạo nhưng nên chọn thời điểm phù hợp. Không nên bắt buộc học viên phải về nước làm ngay mà nên tạo điều kiện cho họ rèn luyện ở nước ngoài 3-5 năm. Khi đã có kinh nghiệm, học tập thực tế, học viên về nước làm việc sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Ông Thanh cũng đề nghị việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao không nên gò bó trong khu vực nhà nước, nên có hình thức chuyển nhượng cho khu vực tư nhân có nhu cầu về nhân lực chất lượng cao. Việc chuyển nhượng này xem như cuộc “đấu giá”, giúp thành phố có thêm nguồn lực để tiếp tục phục vụ việc đào tạo và góp phần sử dụng nhân lực hiệu quả, đúng chuyên môn hơn.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho rằng, việc đào tạo nên nhắm vào các đối tượng đã đi làm tại các cơ quan đơn vị cần nâng cao trình độ. Riêng với các học viên đã được đào tạo, cần khai thác tư duy sáng tạo, phản biện và xây dựng môi trường phản biện để tạo động lực cho họ. Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nói rằng, hiện nay đào tạo nhân lực cho khu vực công là chủ yếu; việc chuyển nhượng lao động sau khi đào tạo là phương án gợi mở, cần nghiên cứu để có sự kết hợp hài hòa giữa khu vực công và tư.

Nguyên nhân dứt áo ra đi

Một trong những bất cập trong sử dụng nhân tài hiện nay là việc họ chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng lần lượt dứt áo ra đi. Ngoài ra, có tình trạng người đào tạo có chính kiến nhưng lãnh đạo thường không muốn nghe theo, hoặc lãnh đạo không theo kịp trình độ. Cùng với đó là việc thiếu thiết bị, phương tiện để nhân tài ứng dụng thực tiễn.

Chị Phan Thị Thu Trang, một trong những học viên Đề án 922, được đào tạo tại Anh chuyên ngành công nghệ sinh học phân tử (2010 - 2014), hiện được bố trí công tác tại Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố, nói rằng, ngoài khó khăn về điều kiện kinh tế, học viên về nước đối diện việc thiếu máy móc, thiết bị. “Do đó, những kiến thức em học ở nước ngoài không thể đưa vào ứng dụng trong thực tế nghiên cứu tại Trung tâm. Cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành cũng như môi trường làm việc hiện đại rất hạn chế”, chị Trang nói.

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, nói rằng, có trường hợp đi học về nước khi được bố trí công việc thì bị chê bai với lý do không viết được văn bản đúng quy chuẩn, vô tình tạo áp lực và tâm lý xấu cho họ. 

Nhưng thực tế họ đi đào tạo là để phục vụ những chuyên ngành, phần việc cao hơn, lỗi này do việc bố trí công việc. Họ có tư duy phản biện nhưng không có môi trường phản biện, nói không khéo lại bị “chiếu tướng”. “Việc nhân tài ra đi hiện nay chủ yếu là do chúng ta ứng xử không phù hợp, lúc họ ở xa thì ta trải thảm đỏ, lúc về thì đối đãi không ra gì”, ông Tiếng nói.

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, cho rằng, nhiều nhân tài được phân công công việc chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến tâm lý hụt hẫng. Trong khi đó, thành phố chưa chủ động đối thoại với các học viên. Sau khi được đào tạo rồi về nước, các học viên không có thủ lĩnh kết nối để cùng nhau phát triển và đóng góp cho thành phố. Ông Hoa ví von, nhân tài của Đà Nẵng những năm qua như những “củ khoai lang rời rạc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN