Đà Nẵng kiện nhân tài: Tranh cãi xung quanh hai chữ bội tín

Nhân tài bội tín bị Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (CPHUD) kiện ra tòa đòi bồi thường tiền tỷ đang gây nhiều luồng ý kiến trái chiều. Theo LS Đỗ Pháp (Văn phòng luật sư Đỗ Pháp - Đà Nẵng), ra tòa là chuyện bất đắc dĩ, nhưng bây giờ, đã không còn là câu chuyện hành chính nữa mà đó là chuyện luật pháp.

Phương án cuối

Theo Giám đốc CPHUD Nguyễn Văn Chiến, khởi kiện hàng loạt học viên đề án 922 ra tòa, đòi bồi thường số tiền mà thành phố, nhân dân đã bỏ ra để họ đi du học là phương án cuối cùng mà CPHUD lựa chọn. “Nếu giải quyết được phương án khác, chúng tôi không bao giờ đưa học viên ra tòa”.

Đà Nẵng kiện nhân tài: Tranh cãi xung quanh hai chữ bội tín - 1

Trên thực tế, từ năm 2013, khi một vài trường hợp học viên có dấu hiệu “một đi không trở lại”, các nhân viên CPHUD cũng như bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan chủ quản đã tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và phân tích phải trái cho các học viên. Ngoài ra, CPHUD cũng đưa ra ràng buộc trong hợp đồng trước khi học viên tham gia đề án 922. Tuy nhiên, nhiều học viên có ý định ở lại nước ngoài vẫn cố tình chây ỳ, không phối hợp giải quyết cũng như bặt vô âm tín. “Kiện ra tòa là phương án cuối cùng, khả dĩ nhất để thành phố đòi lại tiền. Vì đó là tiền ngân sách, là thuế của dân đóng góp” - ông Chiến cho biết.

“Chính quyền hoàn toàn có quyền đưa ra một quyết định hành chính, quyết định đó buộc học viên và người thân phải thi hành. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bội tín mà báo chí nêu thời gian qua. Kiện ra tòa cũng là một biện pháp. Xét trên góc độ nhân văn thì không được hay cho lắm”. 

LS Đỗ Pháp 

Giám đốc một sở của Đà Nẵng có nhân viên tham gia đề án 922 nhưng bội tín không trở về cho biết, Nhà nước đã cho các học viên đó quá nhiều cơ hội để họ quay trở về thực hiện hợp đồng. Cũng có rất nhiều các trường hợp khác được gia hạn hợp đồng là bởi có những điều khoản quy định rõ ràng. Theo hồ sơ chúng tôi có được, các học viên bị kiện ra tòa thường trải qua thời gian dài được CPHUD kiên trì vận động, kêu gọi trở về. 

Đơn cử như trường hợp của học viên Nguyễn Thị Thanh H. (Thanh Khê - Đà Nẵng). Học viên H. được cử đi học ở Pháp vào năm 2007, kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Vì nhiều lý do, bà H. đã 2 lần xin lùi thời hạn quay về và đã được đồng ý. Đến năm 2013, bà H. tiếp tục làm đơn xin lùi thời gian để tiếp tục học lên thạc sĩ ở Pháp. Tuy nhiên, Đà Nẵng không đồng ý vì đây là lý do chủ quan và yêu cầu bà H. trở về trước 1/7/2013. Nhận được văn bản này, bà H. và gia đình làm đơn rút khỏi đề án và đề nghị hoàn trả kinh phí. 

Theo đơn, bà H. cho hay, xin rút vì sẽ ở lại học tập và kết hôn với một Việt kiều ở Pháp, sau đó ở lại định cư lâu dài. Đà Nẵng không đồng ý với nguyện vọng trên, tiếp tục yêu cầu bà trở về. Sau nhiều lần giải thích, yêu cầu trả lại kinh phí nhưng không được gia đình và bà H. đáp ứng, CPHUD đã làm đơn, khởi kiện bà H. ra tòa dân sự, yêu cầu gia đình hoàn trả số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Theo một cán bộ CPHUD, điều này đã là quá ưu ái cho học viên, bởi nếu tính ra, gia đình phải chịu phạt gấp 5 lần hoặc hoàn trả số tiền lãi phát sinh.

Nên thu hút thay vì cử đi đào tạo

Thừa nhận việc thi hành án (THA) sẽ rất phức tạp xung quanh câu chuyện này, LS Đỗ Pháp cho rằng, những trường hợp đã bị khởi kiện ra tòa, bây giờ là vấn đề của bên gia đình và bên THA.

Theo đó, khác với những vụ kiện khác, giữa bên nguyên và bên bị đơn trong câu chuyện “nhân tài bội tín” ở Đà Nẵng có tính chất nhạy cảm hơn. Đây là câu chuyện chiến lược của nhà nước. Đề án 922 là chiến lược đúng đắn, học viên có lợi, thành phố cũng có lợi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nhiều điều ngoài ý muốn. Các học viên cũng là người thụ hưởng chính sách của nhà nước, vì thế khi khởi kiện, cần phải xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể. Hầu như các trường hợp bị kiện đều “khẩu phục mà tâm không phục”. Vì thế, Đà Nẵng nên chăng cần đưa ra phương án khác thay vì lôi nhau ra tòa?

Như một vài trường hợp học viên sau khi xin gia hạn không được đã thay đổi địa chỉ, giấu email, số điện thoại…, hoặc hơn nữa là ly dị vợ, LS Đỗ Pháp cho rằng, muốn THA, Đà Nẵng cần phải chờ đến lúc nào tìm ra được chính học viên đó. “Trong trường hợp nào đi chăng nữa, thành phố cũng đối mặt với rủi ro thất thoát ngân sách. Phải chấp nhận thôi”. Vì những rủi ro như thế, nên LS Đỗ Pháp cho rằng, chính quyền nên thu hút nhân tài, có cơ chế ràng buộc trước thay vì cử đi đào tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Cường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN