Đà Nẵng: Đóng thêm nhiều tàu lớn để ngư dân bám biển

Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân đóng khoảng 10 tàu công suất lớn để bám biển đánh bắt trên ngư trường truyền thống.

Theo Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, trong năm nay, thành phố sẽ có khoảng 10 tàu có công suất trên 400 CV được đóng mới. Hiện tại, đã tổ chức hạ thủy được 5 tàu, công suất từ 450 CV - 1.150 CV.

Các phương tiện được hạ thủy đang làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ của thành phố từ mức 400-800 triệu đồng cho một phương tiện. Đây là năm thứ ba thành phố thực hiện việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền và là năm có sự hỗ trợ nhiều  nhất, thể hiện bước đột phá trong chiến lược phát triển ngành thủy sản của thành phố. Hai năm đầu thực hiện (2012, 2013) đã có 11 tàu được đóng mới với mức hỗ trợ 5,5 tỷ đồng.

Đà Nẵng: Đóng thêm nhiều tàu lớn để ngư dân bám biển - 1

Tàu cá được đóng mới chuẩn bị ra khơi

Ngày 28/5/2014, Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho hay,  đến cuối tháng 5, tại Đà Nẵng đã có 3 tàu cá có công suất lớn do ngư dân thành phố đóng mới (trong đó có 2 tàu đánh bắt cá có tổng công suất 2.300 CV và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá). Đó là tàu của gia đình anh Nguyễn Sương (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) để ra Hoàng Sa đánh bắt và thu mua hải sản. Trước đó, gia đình ngư dân này cũng đã có 2 tàu công suất 450 CV và 500 CV hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa.

Trung tuần tháng 5/2014, gia đình ông Trần Toàn (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã cho hạ thủy tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất 850 CV. Đây là tàu dịch vụ hậu cần lớn thứ 2 Đà Nẵng được hạ thủy trong thời gian qua. Hiện tại, tàu của ông Toàn có hơn 10 lao động hoạt động thu mua hải sản và cung ứng nhiên liệu tại ngư trường Hoàng Sa cùng với tổ dịch vụ hậu cần nghề cá số 1 Đà Nẵng.

Chi cục Thủy sản Đà Nẵng còn cho biết thêm, ngoài tiếp tục đóng mới tàu vỏ gỗ, tới đây, tại Đà Nẵng sẽ có bộ đôi tàu vỏ sắt công suất lớn do Công ty CP Ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy đóng. Bộ đôi tàu sắt này sẽ làm dịch vụ hậu cần nghề cá trọn gói trên các vùng đánh bắt truyền thống của ngư dân miền Trung với công suất mỗi chiếc 1.200 CV.

Theo đó, mỗi tàu vỏ sắt sẽ có chiều dài 35m, rộng 8m, mớn nước 3,2m, trọng tải 200 tấn. Mức đầu tư mỗi tàu khoảng 10 tỷ đồng. Hiện, Công ty Bảo Duy đang gấp rút giấy phép đóng tàu. Khi hoàn thành, sẽ là bộ đôi tàu sắt đầu tiên làm dịch vụ cho ngư dân vùng biển miền Trung.

Được biết, mỗi tàu sắt sẽ có một máy đông lạnh và thiết bị bảo quản hiện đại, nhiều khoang chứa cá, thiết bị, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt... đủ để hoạt động trên biển dài ngày. Khi đưa vào sử dụng, bộ đôi tàu dịch vụ hậu cần bằng vỏ sắt này sẽ trở thành một chuỗi cung ứng trọn gói trên biển, vừa thu mua hải sản vừa cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày.

Những thông tin trên đã củng cố thêm lòng tin của ngư dân để kiên quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền. Có thể nói, trong tình hình  hiện nay, sự có mặt của đông đảo ngư dân sẽ là bài toán với đầy đủ lời giải đáp nhằm phản bác lại âm mưu lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi họ mang giàn khoan Hải Dương-981 với sự hộ tống của hàng trăm tàu các loại và máy bay bảo vệ, hạ đặt trái phép sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Thảo Ly (Giaothongvantai.com.vn)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN