Đà Nẵng chi ngân sách khắc phục "sai lầm" của Bộ Y tế
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ chỉ đạo UBND TP ra quyết định bổ sung bộ tim phổi nhân tạo vào danh mục chi trả bảo hiểm y tế để tạm khắc phục "sai lầm" từ Thông tư 27 của Bộ Y tế.
Báo cáo khi ông Trần Thọ đến thăm, làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) ngày 11/9, BS-CKII Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BVĐN cho hay, lâu nay BHYT vẫn chi trả bộ tim phổi nhân tạo (dụng cụ dùng một lần cho các trường hợp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh hoặc các bệnh lý tim mạch phải hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể khi tiến hành đưa tim ra ngoài để phẫu thuật, trị giá 11 triệu đồng/bộ).
Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng báo cáo với ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng tại buổi làm việc ngày 11/9 (Ảnh: HC)
"Bỗng dưng Bộ Y tế ra Thông tư 27 không có bộ tim phổi nhân tạo này trong danh mục nên từ tháng 11/2013 đến nay BHYT không chi trả nữa. Đây là một sai lầm của Thông tư 27. Bộ Y tế không đưa vào danh mục thì BHYT không chi trả. Đó là nguyên tắc. Lâu nay người bệnh được thanh toán BHYT cái này, bây giờ thì không được thanh toán mà họ phải mua nên rất bức xúc. BVĐN đã phải trình lên nhiều cấp để người bệnh được hưởng quyền lợi này” - BS-CKII Trần Ngọc Thạnh nói.
Sau khi hỏi và được Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Đinh Văn Hiệp trả lời “UBND TP có thể quyết định được”, ông Trần Thọ chỉ đạo các ngành Tài chính, KH-ĐT và Y tế làm văn bản trình UBND TP Đà Nẵng ra ngay quyết định bổ sung bộ tim phổi nhân tạo vào danh mục thanh toán BHYT (bằng ngân sách TP) để giải quyết cho bệnh nhân trên địa bàn trong khi chờ Bộ Y tế rà soát, bổ sung các danh mục cần thiết, vì đây là vấn đề bức xúc.
Trước Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc BVĐN Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Sở Y tế Phạm Hùng Chiến và Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Đinh Văn Hiệp, ông Trần Thọ tuyên bố “nói công khai, danh chính ngôn thuận”: “Phục vụ cho bệnh nhân BHYT phải hết sức chu đáo. Bệnh nhân BHYT đã nghèo rồi, khó khăn rồi mà mình cân đong đo đếm quá là không được. Phải lấy lợi ích phục vụ cho người bệnh làm trọng, làm đầu. Nếu chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt trần mà đúng quy định thì BHYT phải chi trả sòng phẳng cho BV, quyết toán cuối năm không thiếu một xu”.
Ông Trần Thọ chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng đưa bộ tim phổi nhân tạo vào danh mục thanh toán BHYT cho các bệnh nhân trên địa bàn trong khi Bộ Y tế rà soát, bổ sung các danh mục cần thiết (Ảnh: HC)
Ông Trần Thọ yêu cầu các bác sĩ ở BV không ngần ngại chuyện vượt trần khi kê toa, cho thuốc, làm các xét nghiệm y tế. Phải cho thuốc có chất lượng, làm các xét nghiệm hợp lý, đảm bảo chữa cho bệnh nhân mau khỏi bệnh nhất. Đừng vì sợ vượt trần, sợ BHYT qua kiểm tra, không thanh toán mà cho thuốc vừa vừa, thuốc dổm dổm, sợ tốn kém mà không cho làm các xét nghiệm lẽ ra phải làm khiến bệnh nhân thay vì điều trị 10 ngày phải kéo dài cả tháng.
“Mình sợ tốn một tí nhưng bệnh nhân rất khổ. Như thế là chúng ta chưa lấy bệnh nhân làm đối tượng chính để chăm sóc, phục vụ. Người ta nói “lương y như từ mẫu”. “Mẫu” là ở chỗ đó, cho thuốc tốt tốt tí. Mà như BHYT cho biết, nhờ BV đấu giá công khai theo quy chế nên thuốc trong danh mục BHYT không thiếu thì phải cho. Người nghèo khó, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc càng phải quan tâm đặc biệt hơn vì họ đến BV thì chỉ “trăm sự nhờ thầy, thầy cho thuốc gì em uống thuốc nấy”!” – ông Trần Thọ nêu rõ.
Ông đề nghị: “Anh Hiệp (ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH Đà Nẵng - PV) phải hết sức thoáng cái này. Ta kiểm tra xác suất mà thấy hợp tình, hợp lý thì mạnh tay giải quyết cho BV. Bởi vì cả ngàn người mua BHYT nhưng đâu phải cả ngàn người đau ốm hết đâu. Chỉ có ít người thôi, thì ta lấy tiền của người không đau để lo cho người đau. Khi nào báo động đỏ thủng quỹ BHYT quá rồi thì báo cáo lãnh đạo TP, chứ phục vụ cho bệnh nhân BHYT là phải phục vụ đến nơi đến chốn!”.
Sẽ thành lập Trung tâm Tim mạch tại Bệnh viện Đà Nẵng
Đó là quyết định được ông Trần Thọ đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo BVĐN sáng 11/9. Tại buổi làm việc, BS-CKII Trần Ngọc Thạnh cho hay, hiện BVĐN đã thực hiện được 72,78% kỹ thuật của tuyến TƯ và 76,89% kỹ thuật của tuyến tỉnh, TP. Với việc đầu tư mạnh trang thiết bị và đào tạo nhân lực, BV đã phát triển nhiều kỹ thuật mới, làm chủ và triển khai có hiệu quả nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, giúp người bệnh không phải đi xa để chữa bệnh, giảm chi phí, giảm phiền hà.
Trong đó, đáng chú ý là phẫu thuật – can thiệp các bệnh lý tim mạch, đặc biệt gần đây là phẫu thuật cho các cháu sơ sinh, trẻ nhỏ có trọng lượng bằng hoặc dưới 4kg, can thiệp cho các trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi dưới 2kg, kỹ thuật thay động mạch chủ qua da trong trường hợp hẹp khít động mạch chủ, can thiệp bằng sten graft cho các trường hợp bị phình bóc tách động mạch chủ, can thiệp mạch não trong trường hợp dị dạng hay phình mạch não...
“Nếu năm 2009 BVĐN thực hiện 571 ca phẫu thuật – cạn thiệp tim mạch thì năm 2013 đã thực hiện 1.696 ca và 6 tháng đầu năm 2014 thực hiện 972 ca. Với sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật phẫu thuật can thiệp tim mạch này đã và đang đặt nền nóng để BVĐN tiến tới xây dựng Trung tâm Tim mạch” – BS-CKII Trần Ngọc Thạnh nhấn mạnh.
Từ đó, BVĐN đã kiến nghị lãnh đạo TP đầu tư xây dựng Trung tâm Tim mạch để phát triển chuyên sâu về tim mạch. Dự kiến cần 80 tỉ đồng xây khu nhà 6 tầng, trong đó có nhà xe thông minh (ngầm), khu vực xử lý chất thải và khu vực chuyên môn như trung tâm chẩn đoán, phòng can thiệp, phòng mổm phòng hồi sức sau mổ, khoa Nội Tim mạch, khoa Ngoại phẫu thuật – can thiệp tim mạch...
Trên tinh thần “vừa có trước mắt vừa có lâu dài, vừa tính toán quy hoạch phát triển của BVĐN”, ông Trần Thọ đồng ý chủ trương hình thành Trung tâm Tim mạch tại BV này, giao lãnh đạo BVĐN lập đề án, các Sở Y tế, Xây dựng, KH-ĐT đôn đốc. “Hoặc xây dựng tại địa điểm BVĐN hiện nay, làm tầng hầm và nâng chiều cao, hoặc phương án khác rồi chọn phương án khả thi. Phải có một Trung tâm Tim mạch cho bài bản hơn, kinh phí thì làm đề án rồi tính toán nhưng tinh thần chung là đồng ý chủ trương” – ông Trần Thọ nói.