Đà Nẵng: Bão số 11 làm "lộ" nhiều trách nhiệm!
Chiều 21/10, ông Trần Thọ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP và ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương nhằm kiểm tra, đánh giá công tác khắc phục hậu quả cơn bão số11 trên địa bàn.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng vũ trang
Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo khắc phục bão số 11 của TP, ông Trần Thọ đánh giá trong cơn bão vừa qua, thành công lớn của Đà Nẵng trước hết là đã kịp thời di dời hàng ngàn phương tiện nghề cá vào nơi tránh trú bão an toàn và đưa toàn bộ ngư dân lên bờ, không để bám theo tàu thuyền khi xảy ra bão. Thậm chí có trường hợp đã phải cưỡng chế rời tàu, sau đó thì tàu chìm nhưng không xảy ra chết người.
Cuộc họp Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 11 của TP Đà Nẵng chiều 21/10 (Ảnh: HC)
Đồng thời đã kịp thời sơ tán gần 100.000 dân, trong đó có 9.168 hộ với hơn 45.000 dân ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, khu nhà liền kề trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành... và 41.000 sinh viên, công nhân ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão ập tới. "Những thành tích này phải nói là của lực lượng của Quân khu 5, của BĐBP, Công an TP và lãnh đạo các địa phương rất quyết liệt. Khi tôi đến những nơi xung yếu thì các đồng chí đã có mặt ở đó rồi" - ông Trần Thọ nói.
Đối với công tác khắc phục hậu quả sau bão, ông Trần Thọ đánh giá kết quả lớn nhất mà Đà Nẵng đạt được là nhanh chóng tổng vệ sinh, đưa hơn 14.000 tấn rác thải, cây cối ngã đổ ra khỏi TP. Ông nhấn mạnh: "Chỉ trong 4 ngày, chúng ta huy động toàn lực lượng để đô thị hôm nay trở lại bình thường là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, các lực lượng, nhất là Công ty Môi trường đô thị. Nhưng nếu chỉ đơn phương ngành TN-MT thì dọn cả tháng cũng chưa xong. Do vậy chúng tôi rất hoan nghênh sự vào cuộc mạnh mẽ, có trách nhiệm của các lực lượng vũ trang trên địa bàn, các đơn vị bạn từ TP.HCM, Quảng Bình, Bình Định... và nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Đà Nẵng!".
Việc khôi phục nhanh cấp nước, cấp điện, đảm bảo thông tin liên lạc vệ sinh phòng dịch, quản lý giá cả thị trường trước, trong và sau bão, sửa chữa nhà cửa bị sập đổ, tốc mái cho người dân, nhanh chóng giải quyết chế độ chính sách cho các hộ dân bị thiệt hại nặng do bão số 11... cũng được ông Trần Thọ đánh giá là những kết quả đáng ghi nhận của chính quyền TP và các quận, huyện, sở, ngành hữu quan.
"Nếu rớt cần cẩu chết dân thì từng anh một phải từ chức!"
Tại cuộc họp, ông Trần Thọ đề cập gay gắt trường hợp cần cẩu tháp của Vinaconex 25 xây dựng toà cao ốc của Viettin Bank ở ngã tư Yên Bái - Trần Quốc Toản mà Infonet đã phản ảnh vào chiều tối 14/10, khi tâm bão số 11 còn cách Đà Nẵng chỉ chừng 160km. Ông Trần Thọ cho hay, tối hôm đó ông cùng với ông Văn Hữu Chiến đến khu vực này, thấy cần cẩu quay trên đầu nhà dân san sát ở bên dưới trong khi gió bão mạnh. May mà lúc đó quận Hải Châu đã di dời được một số hộ dân ở đây, chứ nếu cần cẩu này rớt xuống làm chết vài người thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
"Nếu cần cẩu này rớt xuống chết dân thì thôi từng anh một cũng phải từ chức!" - ông Trần Thọ nói (Ảnh: HC)
"Tôi có nói nếu nó rớt xuống mà chết dân thì thôi từng anh một cũng phải từ chức. Không thể làm cái biên bản chịu trách nhiệm, ký vô là được. Không có cái biên bản nào, trách nhiệm nào bằng việc chết dân hết. Cái đó phải nói cho rõ. Chết dân rồi anh đền mấy chục triệu coi như xong hay sao? Người ta đã báo bão từ mấy ngày trước, tại sao anh vẫn để cần cẩu quay lung tung trên trời như thế? Ở đường Nguyễn Văn Linh từng xảy ra sự cố chết người một lần rồi. Anh Hùng (ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng), phải làm việc với chủ dự án này, xử phạt một cách nghiêm khắc chứ không thể lập biên bản rồi ký vô trong đó. Chết người mà biên bản gì!" - ông Trần Thọ nói.
Rồi ông đặt tiếp câu hỏi cho Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Công ty Cây xanh, các BQL dự án và "rất mong tìm được câu trả lời": "Vì sao 95% cây xanh của TP ngã đổ như thế? Tất nhiên câu đầu tiên là vì bão. Cái đó không ai cãi. Nhưng vì sao ở UBND quận Sơn Trà trồng mấy chục cây không ngã đổ, nhiều nhà dân trồng không ngã đổ? Trong khi cây xanh trên tất cả các tuyến đường đều bị ngã bẹp hết? Vì sao như thế?
Mấy ngày vừa rồi người dân nhắn tin cho tôi nói có 3 lý do khiến cây ngã đổ. Một là anh trồng cạn quá, đào không sâu, rễ cây không bám được vào đất. Hai là trước bão không chặt tỉa bớt cành lá, để nhiều quá nên gió quất một phát là ngã đổ. Ba là không chằng chống. Người ta trồng một cái cây là có 4 cây chằng ở chung quanh cho cây đứng vững, còn ở đây anh không chằng chống, hoặc chằng chống đại khái, qua loa. Đúng không?
Cần chi nghiên cứu khoa học? Sở KH-CN ra đề tài nghiên cứu khoa học làm thế nào cây trồng ở Đà Nẵng không bị ngã đổ? Trả lời tôi xem thử đi. Anh Hùng về hội thảo đi, họp rút kinh nghiệm đi, xem lý do vì sao. Nếu đúng như lý do người dân nhắn tin cho tôi thì giải pháp khắc phục thế nào? Anh nào nghiệm thu? Anh nào giám sát mà để xảy ra như vậy? Phải làm nghiêm túc cái đó!".
Ông Trần Thọ đặt câu hỏi: "Nhà dựng lại còn được, rác còn đưa ra khỏi TP huống chi mấy bảng quảng cáo mà không làm được để trả lại sự bình thường cho TP?" (Ảnh: HC)
Về các bảng quảng cáo tả tơi sau bão đang tràn lan khắp Đà Nẵng, ông Trần Thọ cho hay: "Hồi hôm tôi gọi điện cho anh Xuân Anh (ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của UBND TP Đà Nẵng) với anh Vinh (ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL), mấy ngày ni hết gió rồi mà bảng quảng cáo vẫn để bộ khung giống như bộ xương sườn tơi tả treo lơ lửng trên các khu vực trung tâm TP như thế, nhìn thấy rất kỳ.
Đó là chứng tích của cơn bão, mà có gì khó lắm đâu. Nhà dựng lại còn được, rác còn đưa ra khỏi TP huống chi mấy bảng quảng cáo mà không làm được để trả lại sự bình thường cho TP? Dân đang nhìn xem sự điều hành của chính quyền, lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong việc khôi phục tình hình trở lại sau bão mấy ngày?
Hơn nhau là ở chỗ đó, chứ để lâu quá không được. Quảng cáo chiếm toàn những chỗ đẹp mà bây giờ gió bão đánh tơi tả, trơ bộ xương không mà để im đến mấy ngày. Phải giải quyết nhanh chóng cái đó đi. Tôi điện cho anh Xuân Anh và anh Vinh hồi hôm, nói chiều nay xong mà chắc không xong kịp!".
Đồng thời ông Trần Thọ yêu cầu phải đẩy mạnh công tác vệ sinh tuyến biển để nhanh chóng trả lại vẻ đẹp, sự sạch sẽ cho khu vực biển: "Chúng ta đừng có kêu. Mình tự hào có một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, giờ bão đổ rác vào thì mình phải dọn cho sạch chứ không có kêu ca chi cả. Phải huy động tổng lực để làm công việc này!".
Theo người dân nhắn tin cho ông Trần Thọ thì có 3 lý do khiến có đến 95% cây xanh đô thị của Đà Nẵng bị ngã đổ do bão số 11: trồng quá cạn, trước bão không chặt tỉa bớt cành lá và không chằng chống cẩn thận! (Ảnh: HC)
Dọn rác lúng ta, lúng túng vì không có kịch bản, kế hoạch
Theo ông Trần Thọ, Đà Nẵng hầu như năm nào cũng có bão. "Hắn vô thì kệ hắn vô chứ làm sao bây giờ? Không cho vô cũng không được. Quan trọng là phòng chống, khắc phục ra sao?" - ông Trần Thọ nói, Từ đó, ông nhận định việc thu gom, vận chuyển rác ra ngoài TP lúc đầu rất lúng túng, phối hợp không nhịp nhàng, quân đông mà không có phương tiện. Thậm chí các đơn vị quân đội xuống đứng cả buổi nhưng không có phương tiện để làm nên rất lãng phí. Theo ông, lẽ ra các cơ quan hữu quan phải có kế hoạch rõ ràng. Sau khi bão xảy ra thì làm cái gì? Nhân lực ở đâu, vật lực ở đâu? Bao nhiêu người, bao nhiêu tuyến đường? Xe ở đâu? Nhờ bộ đội cái gì?
"Tất tần tật cái đó phải có kế hoạch, chứ vừa rồi có vẻ mình lúng ta, lúng túng. Qua ngày thứ hai, thứ ba mới bắt đầu ổn định, mới vào cuộc chứ ngày đầu coi như không làm được gì. Lẽ ra chúng ta phải có kịch bản, bởi vì năm nào mình không có bão lụt. Vì vậy từng ngành, trước bão, trong bão và sau bão, theo chức năng của mình, có sẵn kịch bản. Hết bão rồi thì lật ra, cứ thế mà làm chứ không để đến lúc đó phải chạy vạy kêu chỗ này, chỗ kia. Bao nhiêu tuyến đường, bao nhiêu xe, bao nhiêu nhân công, lực lượng ở đâu, ai chỉ huy... là phải có kịch bản. Nếu không bão thì bỏ vô tủ, sang năm có bão thì mình lại tiếp tục giở ra làm, cái gì cần thì cập nhật, bổ sung" - ông Trần Thọ nói.
Đồng thời ông phê bình gay gắt việc để xảy ra chết người sau bão mặc dù lãnh đạo TP đã cảnh báo: "Trong bão không có người chết, chỉ 12 người bị thương, nhưng sau bão leo lên lợp mái nhà rớt xuống, rồi điện giật, té ngã chấn thương sọ não... làm chết mấy người, số bị thương cũng tăng lên. Đã cảnh báo rồi. 8g sáng 15/10 tôi và anh Chiến đã chỉ đạo việc này, có văn bản chỉ đạo của Uỷ ban, của Thường vụ Thành uỷ nhưng về quán triệt, phổ biến ở dưới không đến nơi đến chốn, để người dân nôn nóng khắc phục hậu quả bão dẫn tới chết người. Cảnh báo rồi mà vẫn để xảy ra. Rất đáng tiếc!".
Bộ đội giúp dân trong khi thanh niên ngồi cafe đủng đỉnh!
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng hết sức phê phán việc trong lúc huy động bộ đội ra giúp dân thì chỉ có một số đoàn viên thanh niên ở các phường cùng ra quân, còn rất nhiều quán cafe đầy thanh niên ngồi uống cafe "đung đưa đủng đỉnh" trông hết sức phản cảm.
Ông Trần Thọ rất bức xúc trong khi huy động bộ đội ra giúp dân khắc phục hậu quả bão số 11 thì có rất nhiều thanh niên Đà Nẵng lại ngồi "đung đưa, đủng đỉnh" trong các quán cafe! (Ảnh: HC)
"Phải có cách gì để những ngày bão, những ngày sau bão, nói với nhau một tiếng là đừng uống cafe, thanh niên mình ra dọn dẹp vệ sinh chứ. Có thấy ở Nhật không, sau sóng thần, toàn dân từ già đến trẻ đều xông lên "ra trận", còn ở mình thì thanh niên đung đưa, đủng đỉnh ngồi quán cafe, hết sức chướng con mắt. Tôi có nói đùa với anh tài xế là phục hồi sau bão nhanh nhất là mấy quán nhậu, chỉ có quán nhậu là phục hồi nhanh nhất thôi, hết bão là mấy ổng đi nhậu liền à!" - ông Trần Thọ bức xúc nói.
Kết thúc cuộc họp, ông Trần Thọ tiếp tục nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2013 không nhiều mà công việc còn rất bộn bề. Song song với việc chỉ đạo các nhiệm vụ kinh tế - xã hội thì các cấp các ngành cần ưu tiên tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão này cho tốt, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại hết sức bình thường.
"Hôm nay cường độ làm việc phải nhiều hơn, phải gấp đôi lên chứ không phải làm bình thường 8 giờ hành chính như mọi ngày. Lụt bão vào, ngổn ngang công việc như thế thì phải làm ngoài giờ hành chính. Các Giám đốc Sở, Chủ tịch quận, huyện phải hết sức lưu ý là làm hết việc chứ không làm hết giờ. Dựng cái cây ngã đổ lên phải đảm bảo kỹ thuật sao cho cây sống chứ không phải làm cho qua chuyện, dựng lên để đó rồi mai mốt cây chết thì cũng vô ích!
Tôi nói lại là cường độ làm việc của lãnh đạo phải nhiều hơn, làm hết việc chứ không phải hết giờ. Đảng phải ra tay, phải trực tiếp đi kiểm tra, giám sát cùng với chính quyền. Tất cả phải vào cuộc chứ không để chỉ chính quyền làm. Các đoàn thể cũng vậy. Có như thế thì chúng ta mới nhanh chóng khôi phục cuộc sống của người dân sau bão cho tốt!" - Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.