Đà điểu “đua” cùng xế hộp trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ
Hình ảnh một con đà điểu chạy cùng chiều với dòng phương tiện trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đã khiến nhiều lái xe giật mình, hoảng hốt.
Hình ảnh con đà điểu chạy trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)
Khoảng hơn 7h sáng nay (21/3), một con đà điểu bất ngờ xuất hiện trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (đoạn gần trạm dừng nghỉ trên cao tốc – cách tâm Hà Nội khoảng 20km).
Anh Nguyễn Anh Tuấn lưu thông trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, hướng đi từ Ninh Bình lên Hà Nội. Khi lên tới gần trạm dừng nghỉ, anh bỗng giật mình khi nhìn thấy một con đà điểu chạy trên đường cao tốc.
“Khi phát hiện ra con đà điểu, tôi đang lái xe ô tô với tốc độ khoảng 100km/h. Cũng may là tôi kịp xử lý nên không xảy ra va chạm giao thông. Nhiều lái xe lưu thông qua cũng khá giật mình, hoảng sợ”, anh Tuấn kể lại.
Theo anh Tuấn, khi phát hiện ra con đà điểu chạy trên đường, nhiều lái xe đã phải đi chậm lại, tránh không để đà điểu va vào xe, gây tai nạn giao thông.
“Rất có thể con đà điểu chạy trên đường của người dân nuôi, nhưng bị sổng chồng nên đã chạy ra ngoài cao tốc. Tuy nhiên, nếu chạy với tốc độ cao mà lái xe không xử lý được tình huống khi gặp đà điểu trên đường thì nguy cơ tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, anh Tuấn lo ngại.
Cùng ngày, phóng viên đã liên hệ với đơn vị quản lý và vận hành tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, tuy nhiên đơn vị này cho hay, đang cho cán bộ rà soát lại camera giám sát và sẽ thông tin cụ thể sau.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, hiện nay, tình trạng gia súc “ngang nhiên” tham gia giao thông đường bộ hay thậm chí là leo lên cả đường cao tốc diễn ra phổ biến ở Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi để súc vật đi trên đường bộ; để súc vật đi qua đường không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 60.000 đến 80.000 đồng. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp người đi đường không xử lý kịp dẫn đến xảy ra tai nạn và lỗi được xác định là do việc “thả rông” con đà điểu nêu trên thì người sở hữu đà điểu có thể phải bị buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra cho người khác theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005. |