Cựu tù Côn Đảo kể chuyện trừ khử địch ngay trong trại giam

Hơn 40 năm đã qua đi, nhưng ông Đặng Văn An vẫn không quên những tháng ngày ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Năm năm bị lưu đày ở các nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo, với đủ mọi hình thức tra tấn dã man cũng không lung lạc được ý chí sắt đá của người chiến sĩ trung kiên.

Cựu tù Côn Đảo kể chuyện trừ khử địch ngay trong trại giam - 1

ông Đặng Văn An. Ảnh: Thanh hà

Đón Tết trên đỉnh Trường Sơn

Chúng tôi gặp người cựu tù Côn Đảo năm nào giữa lúc Ninh Bình đang trong những ngày hội kỷ niệm 1050 năm thành lập nhà nước Đại Cồ Việt. Xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), nơi vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cung điện đặt kinh đô nước Đại Cồ Việt nay nằm trong quần thể danh thắng của khu di tích Tràng An.

Lúc dựng nhà ở đây, do sức khỏe yếu vì thân thể còn nhiều mảnh đạn nên ông chủ ý chọn nơi nằm khuất sâu trong làng để được ngắm trăng thanh gió mát mỗi tối. Nay, Tràng An đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, khách du lịch ưa khám phá lại thích tìm đến ngôi nhà của ông để cảm nhận sự trong lành của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Bên chén trà nóng, ông Đặng Văn An lần dở những ký ức xưa để đưa chúng tôi về những năm tháng hừng hực khí thế thanh xuân của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Lúc ấy ông 17 tuổi, “khai man” thêm một tuổi để đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.

Ông vẫn còn nhớ như in cái ngày nhận được giấy báo trúng tuyển là ngày 17/2/1961. Rồi không kịp báo với gia đình, ông theo lệnh tập trung ở ủy ban xã để đơn vị bộ đội về lấy quân. Đơn vị lấy quân phổ biến xong thì phát ba lô, quần áo tư trang cho mỗi người rồi lên xe vào đơn vị.

Ở nhà, bố mẹ, anh em tá hỏa đi tìm thì 3 ngày sau mới biết con trai mình đã nhập ngũ vào Đại đội 25, tiểu đoàn công binh cầu đường quân khu Hữu Ngạn, đóng quân tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam).

“Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, đơn vị cho tôi đi học lớp Tiểu đội trưởng ở trường và tổ chức học văn hóa buổi tối. Tháng 3/1962, tôi được thủ trưởng đơn vị cử đi đào tạo cán bộ tại phân hiệu công binh khóa 4 thuộc Trường Sỹ quan lục quân chuyên ngành Kỹ thuật cầu đường.

Hơn 3 năm học, tôi vừa là học viên, vừa là Tiểu đội trưởng. Ngày 19/5/1964, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tốt nghiệp Trường Sỹ quan lục quân, tôi được phong quân hàm Thiếu úy và về Trung đoàn 249 Công binh cầu đường làm trợ lý cán bộ. Năm 1966 lại được cử đi học Chính trị tại Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng.

Nhưng học được 1 năm thì tình nguyện vào Nam chiến đấu. Lúc này, tôi được phân công về Trung đoàn 42 Sư đoàn 350 quân khu Tả Ngạn thành lập Tiểu đoàn huấn luyện quân đi B, chi viện cho chiến trường miền Nam”, ông Đặng Văn An nhớ lại.

Năm 1967 do tình hình ác liệt của chiến trường miền Nam, trung đoàn của ông nhận được chỉ thị thành lập một tiểu đoàn bộ binh để tăng cường cho Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Vậy là chỉ trong vòng 45 ngày, tiểu đoàn đã được thành lập và huấn luyện xong. Ông được phong quân hàm Trung úy với cương vị Chính trị viên Đại đội.

Trên đường hành quân từ Bắc vào Nam, đơn vị chỉ được đi vào ban đêm, ban ngày dừng chân nghỉ ngơi để tránh máy bay địch oanh tạc. Đường hành quân trên rừng, địch dùng máy bay rải nhiều mìn lá, nhiều người dẫm phải bị hi sinh hoặc bị thương, phải gửi lại tuyến sau, khiến quân số bị vơi đi khá nhiều.

Một kỷ niệm mà những người lính của ông vẫn không thể quên mỗi kỳ cuộc gặp gỡ cựu chiến binh, đó là được đón cái Tết ngay trên trên đường hành quân. Trên đỉnh Trường Sơn, tuy không có bánh kẹo, thuốc lá... chỉ có phảng phất mùi hoa rừng pha lẫn mùi khét của bom đạn Mỹ ngụy, song những người lính vẫn đầy sự lạc quan.

Hai ngày đón Tết, được ăn một bữa no nê và giao thừa được nghe Bác Hồ đọc thơ, chúc Tết, nghe các ca khúc “Hành quân ca”, “Chiếc gậy Trường Sơn”… “Những lời chúc và những câu hát hào hùng cứ thế theo chúng tôi hành quân vào Nam, trong tim vang vọng mãi câu hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, ông Đặng Văn An nói.

5 năm tù đày

Đầu năm 1969, đại đội của ông được lệnh hành quân cấp tốc xuống huyện Điện Bàn, Quảng Nam bổ sung cho Trung đoàn 36 thuộc đơn vị của Tỉnh đội. Sau khi vượt sông Thu Bồn đến Quế Sơn, Quảng Nam thì bất ngờ gặp toán biệt kích thám báo Mỹ nổ súng vào trúng đội hình. Đồng chí Đại đội phó hi sinh tại chỗ, ông bị thương ở đùi, vội móc cuộn băng trong ba lô nhét cả vào vết thương nhưng vì máu ra nhiều nên ngất đi lúc nào không biết.

Tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trong trại dã chiến, bên ngoài toàn lính Mỹ. Sau đó, ông được đưa về Trại giam Phú Tài để chữa trị và hỏi cung. Khi không khai thác được gì, địch chuyển ông về Trại giam Pleiku, dù vết thương lúc đó vẫn còn khá nặng. Tại đây, ngày thì bị đánh đập, tra khảo, dụ dỗ, đêm nằm trên bệ xi măng không chăn chiếu, bị hành hạ bởi muỗi rệp.

Đỉnh điểm của những ngày tù đày là khi ông bị giam tại Phú Quốc. Ở đây, địch cúp khẩu phần ăn của tù binh, cho ăn đói mặc rách, ốm đau không cho thuốc chữa trị, cài “nội gián” dưới bỏ bọc là tù binh. Nhiều chiến sĩ bị chúng thủ tiêu nhưng tổ chức Đảng trong các phòng giam vẫn được duy trì.

Trong tù, ông và đồng đội vẫn sinh hoạt trong tổ chức Đảng, học văn hóa. Cùng thời điểm đó, trại giam có một nhạc sĩ tên Phan Miêng dạy hát cho các chiến sĩ mỗi tối. Tiếng hát khi đó là một vũ khí sắc bén. Ngày bị tra khảo, đánh đập là thế nhưng về phòng giam, những thân thể tàn tạ vì đòn roi lại được tiếp thêm sức mạnh khi đồng thanh hát vang những ca khúc cách mạng. Những tiếng hát của anh em tù cất lên luôn làm cho bọn địch khiếp sợ, vì chúng hiểu rằng, chỉ có thể tra tấn về thể xác chứ không thể khuất phục được tinh thần.

Một lần, ông nhận được chỉ thị lên kế hoạch để trừ khử tên nội gián trong trại giam. Xong việc, ông và một chiến sĩ tên Sơn khai nhận để giảm thương vong cho anh em. Ông bị địch kết án 20 năm tù, lưu đày ra Côn Đảo. Ngày ông đi, các chiến sĩ đồng thanh hô khẩu hiệu: “Đả đảo nhà cầm quyền Sài Gòn lưu đày tù binh ra Côn Đảo”. Ánh mắt đồng đội dõi theo như đưa tiễn người chiến sĩ, bởi họ hiểu, ra Côn Đảo thì không còn có đường về.

Hỏi ông về những ngày ở Côn Đảo, ông bảo: “Đủ mọi hình thức tra tấn, nhưng kinh khủng nhất là bị giam ở chuồng cọp. Có 3 loại chuông cọp: Nằm, ngồi, đứng. Nếu nằm thì không ngồi được, nếu ngồi thì không đứng được, như một cái cũi chằng dây thép gai xung quanh. Ngoài ra còn có phòng giam ca xô vỏ sắt - một dạng thùng đựng hàng của Mỹ, khoảng 3 mét vuông/chuồng. Ban ngày nóng kinh khủng. Tối đến thì run nổi da gà.

Những tháng ngày ở “địa ngục trần gian” chỉ kết thúc vào ngày 7/3/1973 khi địch trao trả tù binh cho Chính phủ ta. Một năm sau, tôi trở về quê hương Ninh Bình. Mỗi khi trái gió trở trời là chân lại đau buốt vì vẫn còn nhiều mảnh đạn trong đó mà không thể phẫu thuật. Nhưng nghĩ lại, tôi vẫn thấy cuộc đời mình thật may mắn, vì mình vẫn còn có ngày về trong vòng tay của người thân, trong khi đồng đội mình có biết bao người đã ngã xuống ngay trước mắt mình”.

Cuộc sống của người lính cựu tù Côn Đảo giờ đây giản đơn với mảnh vườn, khoảnh sân nhỏ trước nhà. Ông cười hiền: “Với những gì tôi đã cống hiến cho đất nước, các con tôi luôn coi đó là niềm tự hào để phấn đấu trong sự nghiệp riêng. Mỗi khi đi đâu, hễ biết tôi là cựu tù Côn Đảo là lại nhận được những tình cảm nồng ấm, trân trọng. Với một người lính, như thế cũng đã là quá mãn nguyện rồi”.

Hai lần vượt ngục bất thành

Trước những trận tra tấn dã man của địch, ông cùng các chiến sĩ lên kế hoạch vượt ngục. Lúc đó, ông đang bị giam ở trại giam Biên Hòa. Bốn anh em vượt ngục thì 2 người chết, chỉ một người thoát. Còn ông bị bắt trở lại. “Phần thưởng” cho người trốn trại là những chiếc đinh được đóng vào ngón tay. Nhưng đóng được một cái thì ông ngất xỉu nên nhờ thế mà may mắn thoát những cái còn lại.

Biết số phận của những tù nhân chính trị không bị tra tấn đến chết thì cũng sẽ nhanh chóng bị thủ tiêu nên ông và đồng đội lên kế hoạch trốn trại lần thứ 2. Lần này kế hoạch bí mật hơn. Cứ sau 12h đêm là đào hầm, dụng cụ là những vật dụng dùng để ăn uống hàng ngày, được các chiến sĩ tìm cách giấu. Đào xong là che thùng phi, đất đào lên phải ém xuống đất để không bị phát hiện.

6 chiến sĩ tổ chức vượt ngục, vừa ra khỏi doanh trại thì các chiến sĩ không may gặp đúng đoàn xe đi tuần của sĩ quan ngụy. Chạy được 2 ngày thì tất cả bị bắt trở lại. Lần này, chúng tra tấn dã man hơn bằng dí điện.

Có lúc, chúng bắt các chiến sĩ đứng trong thùng phuy chứa nước ngập đến cổ. Bên ngoài chúng dùng thanh sắt đập vào thùng nước. Áp suất của nước dồn vào người khiến ông và đồng đội ộc máu mồm rồi không biết gì nữa cho đến khi ngất đi.

Lão ngư kể chuyện cưỡi sóng Hoàng Sa

Dân làng nhiều lần nghĩ cha con ông đã chết. Mẹ ông, vợ ông cũng không ít lần tắt hết hy vọng. Đã có lần xã điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà (Gia đình & Xã hội)
Giải phóng Miền Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN