Cựu tổng giám đốc Thủ Đức House bị cáo buộc nâng khống hợp đồng thêm 80%

Sự kiện: Thời sự

Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, cựu tổng giám đốc Thủ Đức House, bị cáo buộc nâng giá hợp đồng tư vấn với đối tác thêm 80% để hợp thức hóa các khoản thuế.

Ngày 7-6, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm 67 bị cáo về 10 tội danh trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) và các đơn vị có liên quan.

Gây thiệt hại cho Thủ Đức House 7,7 tỉ đồng

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số lượng bị cáo lớn và truy tố về nhiều tội danh nên đại diện VKS đã dành hơn 1,5 ngày để công bố xong 161 trang cáo trạng.

Tổng cộng có 67 bị cáo bị truy tố về 10 tội danh khác nhau, trong đó có những bị cáo bị truy tố về nhiều tội. HĐXX xác định bị hại trong vụ án này là Cục Thuế TP.HCM và Thủ Đức House.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Liên quan đến nhóm các bị cáo là cựu lãnh đạo của Thủ Đức House gồm Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (cựu tổng giám đốc), Nguyễn Ngọc Trường Chinh (phó tổng giám đốc), Quan Minh Tuấn (cựu kế toán trưởng) bị truy tố về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, trong quá trình hoạt động, Thủ Đức House đã thuê Công ty TNHH Kế toán và kiểm toán Phương Nam (Công ty Phương Nam) để thực hiện dịch vụ tư vấn thuế bằng nhiều hình thức khác nhau.

Công ty Phương Nam sẽ giúp cho Thủ Đức House thực hiện các quy định của pháp luật về các loại thuế như VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Phí dịch vụ tư vấn tính theo giờ theo từng cấp bậc của người tư vấn.

Để Thủ Đức House có nguồn tiền chi tiêu các khoản không được hạch toán kế toán, Quan Minh Tuấn đã đề xuất với Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Nguyễn Ngọc Trường Chinh về việc lợi dụng các hợp đồng dịch vụ tư vấn đã ký với Công ty Phương Nam. Cụ thể là lập chứng từ, tài liệu ghi tăng thêm 80% trị giá dịch vụ phải thanh toán cho Công ty Phương Nam rồi nhờ công ty này chuyển lại phần trị giá ghi tăng để Thủ Đức House sử dụng. Đề xuất này đã được hai bị cáo Hoàng và Chinh đồng ý cho thực hiện.

Sau khi thỏa thuận xong với chủ tịch của Công ty Phương Nam, từ tháng 3-2018 đến tháng 11-2019, Quan Minh Tuấn lập và trình lãnh đạo Thủ Đức House ký tổng số 22 bảng tổng hợp nghiệm thu thanh toán phí tư vấn thuế cho Công ty Phương Nam với tổng giá trị 9,63 tỉ đồng (chưa tính thuế VAT). Từ đó, Công ty Phương Nam đã xuất 22 hóa đơn giá trị gia tăng.

Bằng việc thực hiện thỏa thuận giả mạo, khai man chứng từ kế toán nêu trên, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Thủ Đức House số tiền 7,7 tỉ đồng.

Nhập lậu 39 lô hàng điện tử trị giá 72 tỉ đồng

Đối với các bị cáo trong tội danh buôn lậu, cáo trạng xác định Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Indo Vina và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hà Giang đều do Trịnh Tiến Dũng thành lập, điều hành.

Theo chỉ đạo của Dũng, từ tháng 8-2019 đến tháng 10-2020, các bị cáo khác sử dụng pháp nhân Công ty Indo Vina và Công ty Hà Giang mở 39 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, khai báo nhập khẩu 39 lô hàng điện tử với tổng giá trị 72.577.914.340 đồng.

Trong đó có 25 lô hàng khai báo không đúng tên hàng, số lượng và trị giá hàng hóa. 14 lô hàng còn lại khai thấp hơn giá trị thực tế, khai sai về số lượng, đơn giá.

Hành vi buôn lậu nêu trên cũng là nguyên nhân dẫn đến việc bảy công chức hải quan bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong một chuỗi các hành vi phạm tội với nhiều tội để thực hiện được một phần trong số đó, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo các bị cáo khác làm sáu CMND giả và sử dụng để lập năm công ty “ma”. Theo kết luận giám định của Bộ Công an thì “sáu mẫu in CMND là mẫu in giả, được tạo bằng phương pháp in phun màu”. Từ đó, cơ quan điều tra đã khởi tố về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Vì sao không xử lý tội đưa hối lộ?

Trong vụ án này, ba bị cáo là cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1, quận 3 và quận 5 bị truy tố về tội nhận hối lộ từ bị cáo Lưu Thị Ngát (giám đốc một công ty trong nhóm của trịnh Tiến Dũng). VKS xác định Ngát có hành vi trao đổi, thống nhất và đưa tiền cho các cựu cán bộ chi cục Thuế để các công ty “ma” tránh bị kiểm tra, thanh tra thuế là có dấu hiệu của tội đưa hối lộ.

Tuy nhiên, Lưu Thị Ngát đã chủ động khai báo hành vi đưa tiền trước khi bị phát giác, giúp cơ quan điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ của những người nhận hối lộ. Căn cứ khoản 7 Điều 364 BLHS và điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa hối lộ của Lưu Thị Ngát.

Hình ảnh ban đầu tại phiên xử cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM và 66 bị cáo trong vụ Thủ Đức house

Nguyễn Thị Bích Hạnh (Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) và 24 bị cáo khác là các cán bộ thuế, hải quan bị đưa ra xét xử liên quan đến sai phạm khi hoàn thuế giá trị gia tăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỮU ĐĂNG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN